Từ chối châu Âu, siêu cường năng lượng ‘bắt tay’ Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 3,3 tỷ USD
Nga hiện được công nhận là một trong những quốc gia tiên phong về công nghệ điện hạt nhân trên thế giới.
Với nền tảng kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm lâu năm, nhiều quốc gia đã tìm đến Nga để được hỗ trợ trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, nước này đã từng từ chối nhiều dự án hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.
Trong những năm 1970 và đầu thập niên 1980, Nga đã hợp tác với các quốc gia châu Âu như Bulgaria, Phần Lan, Tiệp Khắc và Hungary để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Dẫu vậy, đến những năm 1990, hàng loạt dự án bị đình chỉ hoặc đóng cửa do những biến động kinh tế và chính trị. Hiện tại, Nga ít tham gia vào các dự án phát triển năng lượng hạt nhân tại châu Âu, thay vào đó, quốc gia này sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho một số nước trên thế giới, bao gồm có cả Trung Quốc.
Rosatom – “gã khổng lồ” ngành năng lượng hạt nhân
Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga hiện là đơn vị dẫn đầu thế giới về số lượng dự án nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, với 33 đơn vị năng lượng đang được triển khai.
Ngoài việc xây dựng các nhà máy, Nga còn xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân, chiếm 16% thị phần toàn cầu. Các hoạt động khác của tập đoàn bao gồm dịch vụ làm giàu uranium, thăm dò và khai thác urani ở nước ngoài, cùng việc thiết lập các trung tâm nghiên cứu hạt nhân tại nhiều quốc gia.
Một trong những đối tác chiến lược của Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân là Trung Quốc. Từ năm 2019, Nga đã ký hợp đồng cung cấp 4 lò phản ứng VVER-1200 cho Trung Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch tại quốc gia này.
Nhà máy điện hạt nhân Tianwan tại tỉnh Giang Tô là một trong những dự án hợp tác tiêu biểu giữa Nga và Trung Quốc. Với 6 tổ máy đang hoạt động, bao gồm 4 lò phản ứng VVER-1000 và 2 lò VVER-1200 chuẩn bị đưa vào vận hành, Tianwan không chỉ là cơ sở lớn nhất thế giới về sản lượng mà còn minh chứng cho sự chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Nga.
Năm 2023, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc khoảng 1.700 tấn thiết bị hạt nhân tối tân, bao gồm các thành phần cốt lõi cho 4 tổ máy điện hạt nhân mới tại nhà máy Tianwan, trị giá 3,3 tỷ USD.
Tháng 8/2023, Nga đã hoàn thành việc giao lò phản ứng VVER-1200 cùng 4 máy phát điện hơi nước cho tổ máy số 7 của nhà máy. Các thiết bị này, sản xuất bởi công ty con Atommash của Rosatom, có kích thước khổng lồ: lò phản ứng dài 13m, rộng 4,5m và nặng 320 tấn, kết hợp với các máy phát điện hơi nước, chuyển hóa năng lượng nhiệt thành điện thông qua tuabin hơi.
Ngoài Tianwan, Nga cũng hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Xudabao tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Vào năm 2023, các lò phản ứng VVER-1200 dành cho tổ máy số 3 của Xudabao đã được Nga hoàn thiện và vận chuyển. Điểm nhấn đáng chú ý tại đây là việc lắp đặt mái vòm bảo vệ nặng 740 tấn chỉ trong một giai đoạn duy nhất, giúp tiết kiệm 6 tháng thời gian thi công so với quy trình thông thường.
Theo World Nuclear News, trong dự án hợp tác xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Tianwan và Xudabao, Nga đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật số tiên tiến. Các công nghệ này được tích hợp sâu rộng vào hệ thống quản lý và kiểm soát của các lò phản ứng VVER-1200, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả và tối ưu hóa.
Nga không chỉ cung cấp thiết bị mà còn chuyển giao công nghệ kỹ thuật số hiện đại, giúp Trung Quốc quản lý và vận hành các nhà máy hạt nhân hiệu quả hơn. Hệ thống kiểm soát và giám sát thời gian thực, kết hợp với phần mềm mô phỏng tiên tiến, cho phép tối ưu hóa quy trình vận hành, đảm bảo an toàn và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.