Từ một quán cà phê nhỏ, người đàn ông 35 tuổi tạo dựng nên thương hiệu quốc tế được định giá hơn 1 tỷ USD

22-05-2024 16:44|Quỳnh Vân

Giờ đây, startup này mang lại cho Edward Tirtanata doanh thu hơn 100 triệu USD/năm.

Khi còn học đại học, Edward Tirtanata rất thích cà phê đến mức ngày nào cũng gọi “một cốc lớn” từ Dunkin’ Donuts hoặc 7-Eleven.

Ngày nay, anh là CEO kiêm nhà đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp cà phê Kopi Kenangan (Indonesia).

Người đàn ông 35 tuổi này vẫn uống cà phê mỗi ngày - ngoại trừ việc anh ấy đã nâng số lần uống lên 3 cốc hoặc hơn để “thử nghiệm sản phẩm”.

Khởi đầu là một quán cà phê địa phương của Indonesia vào năm 2017, Kopi Kenangan giờ đây trở thành một thương hiệu cà phê quốc tế được định giá hơn 1 tỷ USD.

Theo CNBC, công ty này có hơn 800 địa điểm trên khắp Đông Nam Á và đạt doanh thu hơn 100 triệu USD vào năm 2023.

Từ một quán cà phê nhỏ, người đàn ông 35 tuổi tạo dựng nên thương hiệu quốc tế được định giá hơn 1 tỷ USD
Trong vòng 7 năm, Kopi Kenangan đã đi từ một quán cà phê địa phương ở Indonesia trở thành một công ty tỷ USD. Ảnh: CNBC

Tirtanata lớn lên tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Anh chuyển đến Mỹ vào năm 2007 khi bắt đầu học đại học chuyên ngành tài chính - kế toán.

Dù không mấy hứng thú với việc học nhưng Tirtanata lại rất đam mê khởi nghiệp, khi có cả cha và mẹ đều là doanh nhân.

Anh nói: “Khi còn nhỏ, tôi chắc chắn rất nghịch ngợm. Tôi không thực sự học nhiều. Nhưng khi có cơ hội kiếm tiền hoặc kinh doanh, tôi luôn hào hứng”.

Ngay khi còn là sinh viên, Tirtanata đã khám phá ra một nguyên tắc kinh doanh cơ bản là “Mua thấp, bán cao”. Anh từng bán thẻ Pokémon và bot chơi game cho bạn bè cùng trường để kiếm lời.

Bước ngoặt đến với Tirtanata khi vào năm nhất đại học, anh nhận được một cuộc gọi từ mẹ mình báo rằng công ty của cha anh đang gặp phải một số rắc rối tài chính lớn.

Sau cuộc gọi đó, Tirtanata quyết định đẩy nhanh chương trình học 5 năm chỉ trong 3 năm. Anh nhanh chóng trở về quê hương Indonesia và trở thành đối tác kinh doanh của cha.

Tirtanata chia sẻ: “Khi đó, những ngày của tôi tràn ngập sự căng thẳng và bất an nhưng tôi nghĩ đó là một trong những khoảng thời gian giúp mình trở thành một doanh nhân giỏi hơn”.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn tài chính cùng gia đình, Tirtanata vẫn tiếp tục xây dựng con đường kinh doanh của riêng mình.

Từ một quán cà phê nhỏ, người đàn ông 35 tuổi tạo dựng nên thương hiệu quốc tế được định giá hơn 1 tỷ USD
Edward Tirtanata (35 tuổi) là CEO kiêm đồng sáng lập startup cà phê Kopi Kenangan. Ảnh: CNBC

Khởi đầu kinh doanh

Trước khi thành lập Kopi Kenangan, Tirtanata mở chuỗi cửa hàng trà mang tên Lewis & Carroll vào năm 2015 với các địa điểm trên khắp Indonesia. Nhưng khi mở cửa hàng thứ 5, anh nhận ra việc kinh doanh trà không mang lại lợi nhuận như mong đợi.

Đến một ngày, Tirtanata và người bạn lâu năm James Prananto phát hiện ra vấn đề rằng nhiều chuỗi cửa hàng trà và cà phê lớn ở Indonesia quá đắt đối với người dân địa phương.

Một cốc cà phê latte Starbucks có giá tương đương 2% thu nhập trung bình hàng ngày của người dân Mỹ. Tuy nhiên, ở Indonesia tỷ lệ này lại lên tới hơn 30%.

Ý tưởng về Kopi Kenangan đã ra đời từ đó. Vào năm 2017, Tirtanata và Prananto cùng nhau đầu tư tổng cộng 15.000 USD vào cửa hàng đầu tiên của họ ở Jakarta.

Khách hàng sẽ đặt đồ qua ứng dụng, sau đó chọn đến tận nơi lấy hoặc được giao về nhà. Mô hình này cho phép họ giảm chi phí thuê và thiết kế không gian ngồi tại quán, để dồn tiền cho những nguyên liệu chất lượng.

Tirtanata cho biết: “Thay vì tập trung vào ghế sofa hoặc wi-fi nhanh, chúng tôi chú trọng vào những cốc cà phê chất lượng”.

Quyết định này đã giúp cửa hàng mở rộng quy mô tới hơn 200 địa điểm và 10 thành phố trong vòng 2 năm đầu hoạt động.

Từ một quán cà phê nhỏ, người đàn ông 35 tuổi tạo dựng nên thương hiệu quốc tế được định giá hơn 1 tỷ USD
Cửa hàng Kopi Kenangan đầu tiên tại Indonesia. Ảnh: CNBC

Tạo nên sự khác biệt

Theo CNBC, ngành kinh doanh cà phê đang dần bão hòa, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn.

Nhưng Tirtanata cho hay, Kopi Kenangan có 3 điểm khác biệt chính so với các đối thủ cạnh tranh. Đó là mô hình chỉ bán mang đi, tích hợp công nghệ và tùy chỉnh vị theo địa phương.

Tirtanata tiết lộ: “Trong khi Starbucks và các chuỗi cà phê toàn cầu khác ưu tiên sự nhất quán, tôi nhận ra mọi người có khẩu vị và sở thích khác nhau. Chúng tôi muốn đảm bảo vị của cà phê thực sự phù hợp với thị trường đang hoạt động, nhờ vào phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu”.

Điều này có nghĩa là cà phê Kopi Kenangan ở Singapore sẽ có hương vị khác với cà phê ở Indonesia.

Tại thời điểm đại dịch Covid, Tirtanata và Prananto cũng nỗ lực gấp đôi trong việc tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Điều này đã giúp số cửa hàng tăng lên gấp 3 lần trong thời gian đó.

Tính đến tháng 4 năm nay, chuỗi cà phê này đã huy động được hơn 230 triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Hiện tại, các cửa hàng Kopi Kenangan có thể được tìm thấy ở Indonesia, Malaysia và Singapore.

Nhưng điều đó là chưa đủ đối với Tirtanata, anh có kế hoạch mở rộng công ty trên toàn cầu và hy vọng một ngày nào đó công ty sẽ niêm yết tại Mỹ.

>> Khoảnh khắc khiến người phụ nữ từng tự tử thay đổi để trở thành tỷ phú ngành y

Ngụm cà phê đắng của Starbucks, cổ phiếu giảm gần 16% trong 1 ngày

Cựu lãnh đạo Amazon huy động thành công 100 triệu USD cho startup chế tạo robot dù chưa ra mắt sản phẩm nào

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-mot-quan-ca-phe-nho-nguoi-dan-ong-35-tuoi-tao-dung-nen-thuong-hieu-quoc-te-duoc-dinh-gia-hon-1-ty-usd-235726.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Từ một quán cà phê nhỏ, người đàn ông 35 tuổi tạo dựng nên thương hiệu quốc tế được định giá hơn 1 tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH