Bài học để không dính 'cạm bẫy' tốn kém từ tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á
Tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của Đông Nam Á kết nối ga Halim tại thủ đô Jakarta với ga Tegalluar tại Bandung (Tây Java) của Indonesia.
Tại Indonesia, tuyến đường sắt tốc độ cao nối Thủ đô Jakarta và Bandung là loại hình phương tiện giao thông công cộng phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Dự án này có tổng chiều dài 142km với vốn đầu tư lên đến 7,3 tỷ USD. Với tốc độ tối đa đạt 350km/h, tuyến đường sắt này đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho người dân và đất nước Indonesia khi thời gian di chuyển từ Thủ đô Jakarta đến thành phố Bandung chỉ còn khoảng 40 phút thay vì hàng tiếng đồng hồ như trước đây.
Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, ông Erick Thohir cho biết từ năm 2019 đến 2023, tuyến đường sắt này đóng góp 86,5 nghìn tỷ rupiah (khoảng 5,34 tỷ USD) vào tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GRDP) của Jakarta và Tây Java.
Khoang hạng nhất của một chuyến tàu trên tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung - Ảnh: AFP |
Như vậy, tuyến đường sắt này đã giúp Indonesia có những bước tiến đáng kể trong kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, đất nước này cũng phải đánh đổi rất nhiều khi phải gánh một khoản phí tổn lâu dài.
Trong khi các tuyến đường sắt tốc độ cao ở Trung quốc chỉ có chi phí dao động khoảng 17-30 triệu USD/km, ở Pháp khoảng 24 triệu USD/km hay ở Tây Ban Nha khoảng 27 triệu USD/km thì tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung lại có chi phí lên tới 52 triệu USD/km.
Bên cạnh đó, quá trình thi công của dự án cũng trì trệ và chậm tiến độ. Vào tháng 1/2016, Tổng thống Widodo dự lễ động thổ của tuyến đường sắt này tại thị trấn Walini, tỉnh Tây Java. Tuy nhiên, không một mét đường ray nào được xây dựng sau 2 năm kể từ lễ động thổ này. Nhiều vấn đề như chi phí đầu tư bị đội lên hay việc thu hồi đất bị trì hoãn,... đã khiến tiến độ thực hiện của dự án không đúng theo kế hoạch.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam có chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, có điểm bắt đầu ở ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc ở ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Dự án này hứa hẹn sẽ mang lại một cuộc cách mạng mới cho giao thông vận tải Việt Nam.
"Sinh sau đẻ muộn” nhưng đây cũng chính là cơ hội cho Việt Nam học hỏi, rút kinh nghiệm từ những quốc gia khác trên thế giới để hoàn thiện tốt nhất, tránh được những “cạm bẫy” tốn kém cho siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam 70 tỷ USD này.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dự án này còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế và năng lực, đồng thời thúc đẩy hợp tác và phát triển cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chính vì vậy, Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng, có những phương án nghiên cứu về chi phí và tiến độ thi công phù hợp với tình hình đất nước ta để tối đa hóa những lợi ích kinh tế mà dự án này mang lại.
Hàng loạt nhà ga 'ma' mọc lên ở siêu cường đứng số 1 thế giới về đường sắt cao tốc
‘Sinh sau đẻ muộn’ nhưng đường sắt cao tốc 70 tỷ USD của Việt Nam có một lợi thế vượt trội