Dự án tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa với chiều dài 4km có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024, chia sẻ 'gánh nặng' kẹt xe cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Các phần của dự án đang được triển khai
Thời điểm hiện tại, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4km, với 6 làn xe và mở rộng Hoàng Hoa Thám lên 22m có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng đang được tăng tốc thi công và dự sẽ "về đích" vào cuối năm nay.
Nằm trong dự án, công trình hầm chui ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (Q. Tân Bình) có mức đầu tư 200 tỷ đồng hiện đang được triển khai với hàng chục công nhân cùng thiết bị máy móc.
Đoạn hầm này dài hơn 400m, đoạn đường dẫn vào hầm phía công viên Hoàng Văn Thụ dài khoảng 140m và đoạn đường dẫn ra hầm phía Trung tâm quản lý bay với chiều dài 180m cũng đã được hình thành sau hơn 1 năm thi công.
Dự án bắt đầu công tác đốt hầm khí sau khi thi công hầm dở. Ảnh: Báo Lao Động |
Các nhà thầu hiện đang tập trung nhân lực thi công cho đoạn hầm kín dài hơn 40m. Trước đó, nhà thầu cũng đã làm 2 cầu tạm rộng 5 làn xe dành cho các phương tiện đi qua, tạo mặt bằng thuận lợi để thi công hầm chui.
Ngoài ra, một hạng mục khác của dự án là đoạn cầu vượt tại khu trước nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dài 988m, rộng 17m với 4 làn xe cũng đã được hoàn thiện xong phần thô. Ở điểm đầu của dự án giáp với đường Cộng Hoà, đơn vị thi công cũng đã hoàn thiện xong phần nền của đoạn đường dài gần 500m chạy song song với đường C12.
Phối cảnh hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa khi hoàn thành. Ảnh: Báo Lao Động |
Chia sẻ trên báo Lao Động, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (chủ đầu tư) cho biết, hiện hạng mục hầm chui đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện đã đạt hơn 80% khối lượng và dự sẽ "về đích" vào tháng 8.
Ông Phúc cũng thông tin dự án này sắp tới sẽ làm thêm một hầm chui khác tại nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý. Toàn dự án hiện đã đạt được hơn 50% khối lượng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.
Dự án sau khi được hoàn thành với 6 làn xe không chỉ tạo trục đường mới dẫn vào nhà ga T3 (đang được xây dựng) mà sẽ "phá thế độc đạo" ra vào sân bay Tân Sơn Nhất ở đường Trường Sơn hiện hữu.
>> Màn 'bắt tay' 15.400 tỷ giữa Hòa Bình và tỉnh đông dân nhất Việt Nam có gì đặc biệt?
Đường Hoàng Hoa Thám được mở rộng 22m
Sau khi hoàn tất di dời cây xanh, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám cũng đã bắt đầu được triển khai thi công, di dời hạ tầng nhằm phục vụ thi công đường và vỉa hè trong thời gian tới.
Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám đoạn từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) nối với đường Cộng Hoà dài gần 800m, mặt đường này sẽ được mở rộng từ 8-10m lên 22m.
Với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng, dự án này đã được duyệt từ tháng 10/2016 nhưng do vướng khâu mặt bằng nên trong nhiều năm liền vẫn trong tình trạng "đắp chiếu".
Vốn đầu tư cho dự án hiện đã được điều chỉnh tăng gần 300 tỷ đồng do phát sinh chi phí bồi thường. Dự án có khoảng 150 trường hợp bị ảnh hưởng và thời điểm hiện tại có 95% số hộ đã nhận đền bù và tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng. Đối với một số trường hợp chưa đồng thuận, Q. Tân Bình đang tích cực vận động để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ đi vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Internet |
Theo BQLDA, sẽ đẩy nhanh việc thi công, hoàn thành và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám vào cuối năm nay. Sau khi mở rộng, tuyến đường này sẽ kết nối hai trục đường Cộng Hoà với đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà để xe vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó, năm 2019, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) với quy mô nhỏ hơn có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, theo báo điện tử VTC News.
Dù vậy, theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, nhà ga T1 và T2 hiện hữu cũng sẽ được nâng cấp và mở rộng để đạt công suất 30 triệu hành khách/năm. Trong khi đó, nhà ga T3 sau khi xây mới cũng sẽ có công suất 20 triệu hành khách/năm. Việc này làm tăng "gánh nặng" lên các tuyến đường ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, buộc TP. HCM phải điều chỉnh dự án cho phù hợp với quy hoạch của Bộ GTVT.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Tân Sơn Nhất tại TP. HCM hiện đang là sân bay lớn nhất cả nước, đứng đầu cả nước về tổng diện tích khai thác với hơn 1.500ha và công suất hàng hoá, số lượng hành khách phục vụ mỗi năm.
Theo kết quả xếp hạng các sân bay thế giới năm 2021 do Tổ chức chuyên xếp hạng vận tải hàng không Skytrax (Anh), Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đứng trong top 10 sân bay tốt nhất thế giới ở nhóm các sân bay có năng lực phục vụ 20-25 triệu khách/năm.
>> Vùng ‘cửa ngõ’ Đông Nam Bộ đặt mục tiêu khởi công 8 dự án nhà ở xã hội trong năm 2024
Từ năm 2025, sau khi đổi sổ đỏ, người dân sẽ cần đổi thêm loại giấy tờ gì?
Đáp ứng duy nhất điều kiện này, xây nhà trên đất nông nghiệp sẽ không lo bị phạt hay tháo dỡ