Với những doanh nghiệp có tỷ trọng chi phí bằng đồng USD cao như Vietnam Airlines thì 1% thay đổi tỷ giá cũng có thể "thổi bay" mất 300 tỷ đồng.
Tỷ giá nóng rẫy, USD ngân hàng tăng vượt 25.000 đồng
Ngày 3/4, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.020 đồng/USD, tăng 15 đồng so với phiên trước. Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần - sàn là 25.221 đồng/USD - 22.819 đồng/USD.
Với biên độ như trên, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá mua vào - bán ra là 23.400-25.171 đồng/USD.
Giá USD tại Vietcombank - ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, niêm yết ở mức 24.750-25.120 đồng (mua - bán), tăng khoảng 180 đồng mỗi chiều so với cuối tuần trước.
>> USD tăng kịch trần, vượt giá bán của Ngân hàng Nhà nước
USD ngân hàng vượt 25.000 đồng (Ảnh minh hoạ) |
Trong khi đó, VietinBank cũng tăng mạnh giá USD ở mức 24.815-25.155 đồng (mua - bán) và tại BIDV là 24.815-25.125 đồng (mua - bán), tăng 155 đồng so với trước đó.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, giá USD cũng tăng liên tục. MBBank niêm yết giá mua - bán USD tiền mặt ở mức 24.820 - 25.221 đồng, chạm mức giá trần được phép giao dịch (25.221 đồng).
Sacombank sáng nay đưa giá USD lên mức 24.795-25.185 đồng/USD (mua - bán), tăng 165 đồng/USD so với sáng qua. ACB sáng nay niêm yết giá USD ở mức 24.800-25.180 đồng/USD (mua - bán), tăng 170 đồng/USD chiều mua và tăng 50 đồng/USD chiều bán.
1% thay đổi tỷ giá thổi bay 300 tỷ đồng lợi nhuận Vietnam Airlines
Diễn biến tăng “nóng rẫy” của đồng USD tác động đáng kể đến các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hoặc phải thanh toán chi phí cho đối tác bằng đồng USD.
Một ví dụ điển hình là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA). Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô được tổ chức ngày 14/3, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đã đưa ra một số kiến nghị về vấn đề tỷ giá.
>> Các hãng hàng không chạy đua bổ sung máy bay dịp Tết Giáp Thìn
Ông Đặng Ngọc Hoà cho biết, như Vietnam Airlines là ngành hàng không thì 1% thay đổi tỷ giá cũng mất 300 tỷ đồng (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Ông Đặng Ngọc Hòa cho biết, như Vietnam Airlines là ngành hàng không thì 1% thay đổi tỷ giá cũng mất 300 tỷ đồng, nếu thay đổi 5% thì chi phí hãng một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng. Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.
Do đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines có nhiều khoản vay và thuê tài chính để mua máy bay và máy móc thiết bị, thanh toán chi phí cho các đối tác nước ngoài có giá trị lớn nên rủi ro tỷ giá của VNA đến chủ yếu từ biến động tỷ giá USD/VND.
Báo Đầu tư đưa thông tin (năm 2021), với chi phí thuê tàu bay là nhóm chi phí cố định có tỷ trọng lớn, chiếm đến 14-16% tổng chi phí (giai đoạn trước Covid-19) và lên tới 31-32% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid-19).
Nếu tính toàn bộ chi phí tàu bay, thì tổng chi phí tàu bay (gồm tàu thuê và tàu sở hữu) chiếm khoảng 20-22% (giai đoạn trước Covid-19) và tăng lên 37 - 42% tổng chi phí trong giai đoạn 2020-2021. Còn theo báo Tuổi trẻ, cấu trúc chi phí của các hãng hàng không có tới 70% bằng USD.
Bên cạnh VNA, các doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD đều sẽ gặp khó khăn khi đồng tiền này tăng giá. Đồng thời, giá cả các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng từ đó ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp nhập khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vay nợ bằng USD mà không có nguồn thu từ USD (hoặc ngoại tệ khác) tương ứng sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chêch lệch tỷ giá hối đoái.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại họp báo Chính phủ, chiều 3/4. (Ảnh: Phạm Dự) |
Trong một diễn biến điều hành có liên quan, vào chiều 3/4, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, NHNN có đủ công cụ điều hành để ổn định thị trường ngoại hối.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, với nguồn lực hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá khi cần thiết.
"Tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước xác định sẽ điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp", ông nói.
Giá USD trong nước đang có xu hướng đi lên từ đầu năm. Đặc biệt, 2 ngày gần đây, đà tăng có phần mạnh hơn, sau khi Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu. Trước đó, nhà điều hành tiền tệ đã có 3 tuần liên tục hút tiền trên thị trường liên ngân hàng.
>> Thủ tướng yêu cầu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế
Dự báo lợi nhuận 14 ngân hàng (TCB, MBB, VPB…) quý I và năm 2024, Top 1 ‘phi mạnh’ 175%
Công bố kết luận thanh tra hoạt động bán bảo hiểm thông qua ngân hàng tại AIA Việt Nam