Tỷ phú 'hào phóng' với Việt Nam: Qua đời ở tuổi 92 cho đi hết 8 tỷ USD tài sản làm từ thiện, là ‘người hùng’ truyền cảm hứng cho Bill Gates, Warren Buffett
Đối với ông, tiền bạc có thể là chiến lợi phẩm của thành công nhưng nó chưa từng là lẽ sống.
Tháng 10/2023, giới kinh doanh toàn cầu đón nhận một tin buồn khi Chuck Feeney - nhà đồng sáng lập chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers, một trong những tỷ phú vĩ đại với triết lý sống giản dị và lòng từ thiện bao la đã qua đời ở tuổi 92.
Cả cuộc đời, ông không chỉ xây dựng một đế chế kinh doanh vững mạnh mà còn để lại di sản vô giá cho nhân loại về lòng nhân ái. Trong khi nhiều tỷ phú khác tích lũy tài sản kếch xù, Feeney chọn con đường dành trọn tài sản của mình để làm từ thiện và sống một cuộc đời giản dị đến khó tin.

Vị doanh nhân vĩ đại, cả cuộc đời giản đơn không nhà lầu, không xe sang
Theo Forbes, Chuck Feeney là một tỷ phú người Mỹ gốc Ireland, đồng sáng lập Duty Free Shoppers Group (DFS) - thương hiệu tiên phong trong ngành bán lẻ miễn thuế toàn cầu. Ông cũng là người sáng lập The Atlantic Philanthropies, một trong những quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới.
Dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, Feeney giữ kín danh tính trong suốt nhiều năm. Mãi đến năm 1997, khi một tranh chấp kinh doanh xảy ra, thông tin về ông mới được công khai. Nhưng ngay cả khi danh tiếng lộ diện, ông vẫn kiên trì với lối sống giản dị: sống trong căn hộ thuê ở San Francisco, không sở hữu xe hơi hay đồ xa xỉ, chỉ đeo chiếc đồng hồ cao su 15 USD và di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Feeney sinh ngày 23/4/1931, lớn lên trong một gia đình lao động ở New Jersey vào thời kỳ Đại suy thoái. Ông gia nhập quân ngũ trước khi quay lại học đại học dù không có nhiều tiền. Nhờ các mối quan hệ trong quân đội, ông cùng Robert Warren Miller sáng lập Duty Free Shoppers (DFS) vào năm 1960, khởi đầu bằng việc bán rượu miễn thuế cho lính Mỹ tại châu Á.
Bước ngoặt đến vào những năm 1960 khi DFS giành được quyền kinh doanh miễn thuế tại Hawaii, nhắm vào khách du lịch Nhật Bản. Khi Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Tokyo 1964 và nới lỏng quy định du lịch, DFS nhanh chóng bùng nổ với hàng loạt cửa hàng tại Hong Kong, Hawaii, cung cấp rượu, thuốc lá, nước hoa với mức giá rẻ hơn nội địa.
DFS tiếp tục mở rộng, thậm chí đầu tư xây dựng cả sân bay để đón khách Nhật. Đến năm 1968, cổ tức của Feeney đạt 12.000 USD, tăng gấp 10 lần chỉ sau một năm. Trong thập niên 1970, DFS tạo ra lợi nhuận 300 triệu USD/năm, giúp Feeney đầu tư vào nhiều lĩnh vực như khách sạn, thời trang, công nghệ.

Vào năm 1988, Forbes xếp Feeney vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ với tài sản 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đúng thực tế, bởi ông đã bí mật chuyển phần lớn tài sản vào các hoạt động từ thiện.
Hành trình đến với Việt Nam và câu chuyện “truyền cảm hứng” bất tận cho đời
Với triết lý "Cho đi khi còn sống" (Giving While Living), Chuck Feeney sáng lập Quỹ Atlantic Philanthropies (AP), ông bí mật chuyển toàn bộ tài sản kinh doanh của mình vào hai năm sau đó. AP đã triển khai hàng loạt chương trình tài trợ, phần lớn dưới hình thức ẩn danh, tại nhiều châu lục nhằm hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân quyền và thực hiện các mục tiêu nhân đạo khác.
Quỹ AP của Feeney bắt đầu hoạt động hỗ trợ tại Việt Nam từ năm 1998, ban đầu với vai trò nhà tài trợ cho các dự án của tổ chức East Meets West Foundation (EMWF, Mỹ). Sau giai đoạn tìm hiểu nhu cầu, AP xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn và chính thức mở văn phòng tại Việt Nam vào năm 2001. Trong giai đoạn từ đó đến năm 2013, tổ chức này đã tài trợ khoảng 380 triệu USD cho Việt Nam.

Các dự án do quỹ của Feeney tài trợ đều tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, cung cấp trang thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên ngành y và hỗ trợ nghiên cứu. Trong lĩnh vực giáo dục, quỹ góp phần xây dựng Đại học RMIT, phát triển trung tâm học liệu tại một số trường đại học và cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam theo học thạc sĩ, tiến sĩ tại Australia.
Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, AP là tổ chức phi chính phủ nước ngoài có mức giải ngân lớn nhất, khoảng 20-30 triệu USD mỗi năm. Các khoản tài trợ của AP đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế, hỗ trợ nghiên cứu và thúc đẩy chính sách liên quan.

Từ năm 2013, AP ngừng cam kết tài trợ mới cho Việt Nam và chỉ duy trì hoạt động để hoàn thành các dự án còn lại. Đến năm 2016, tổ chức chính thức chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.
Không chỉ hỗ trợ tài chính, tỷ phú Chuck Feeney - người đứng sau AP, còn trực tiếp đến thăm các bệnh viện, trường học để giám sát và động viên các dự án cải thiện hạ tầng y tế, giáo dục. Ông cũng tích cực kêu gọi Chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển sau chiến tranh.

Ngoài ra, đã có rất nhiều trường đại học, bệnh viện, tổ chức khoa học và sáng kiến hòa bình tại Mỹ, Nam Phi, Úc, Israel, Jordan,… đã nhận được sự giúp đỡ từ ông.
Đến năm 2020, Quỹ chính thức đóng cửa sau khi tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh, sử dụng toàn bộ 8 tỷ USD - số tiền mà Chuck Feeney đã quyên góp theo đúng tâm nguyện ban đầu của mình.
Trong bài viết có tựa đề Vĩnh biệt Chuck Feeney trên website RMIT Việt Nam, có đoạn viết: "Vĩnh biệt Chuck Feeney. Chúng tôi sẽ mãi nhớ về ông và tấm gương thiện nguyện của ông sẽ luôn sống mãi".

Sự khiêm tốn và tinh thần cống hiến của Feeney đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao. Warren Buffett từng nhận xét: "Chuck Feeney là người anh hùng của cả tôi lẫn Bill Gates. Thậm chí ông ấy xứng đáng là anh hùng của tất cả mọi người".

Còn Bill Gates chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ ông ấy nói với tôi rằng chúng ta nên khuyên mọi người không chỉ giới hạn quyên góp 50% tài sản mà là nhiều nhất có thể trong suốt cuộc đời. Chẳng có ví dụ nào về từ thiện tốt hơn Chuck cả. Rất nhiều người đã nói với tôi về việc họ được truyền cảm hứng từ ông ấy như thế nào. Điều đó thật sự tuyệt vời".
Khác với nhiều tỷ phú để lại tài sản kếch xù cho con cháu, Feeney chỉ muốn truyền lại tinh thần sống đẹp: trân trọng tiền bạc nhưng không hoang phí và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Dù không để lại một dinh thự tráng lệ hay bộ sưu tập siêu xe, Chuck Feeney đã khắc tên mình vào lịch sử như một biểu tượng của lòng nhân ái và tinh thần "sống để cho đi”.