Tỷ phú Thái Lan tới Việt Nam 'đãi rác tìm vàng', tỉnh ven biển miền Trung chuẩn bị đón siêu dự án 2.400 tỷ đồng

04-04-2024 09:10|Phương Nhi

Mới đây, vị tỷ phú đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, nhằm xúc tiến nhanh về đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác điện tử.

Việt Nam mở khóa nguồn mỏ "kho báu" mới đầy tiềm năng

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, tỷ phú Peter Palanugool, Chủ tịch Tập đoàn Bangkok Assay Office (Thái Lan), bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm nhiều thông tin liên quan để có thể xúc tiến nhanh về đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác điện tử.

Dự án này có giá trị đầu tư ước tính vào khoảng 2.400 tỷ đồng. Đây cũng là 1 trong 10 dự án mà Tập đoàn Bangkok Assay Office và tỉnh Bình Định đã ký về biên bản ghi nhớ tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư.

Phát hiện 'kho báu' siêu lớn từ rác, tỉnh ven biển miền Trung chuẩn bị đón siêu dự án 2.400 tỷ đồng của tỷ phú Thái Lan
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (thứ 6 bên phải) tặng quà cho ông Peter Palanugool - Chủ tịch Tập đoàn Bangkok Assay Office (Thái Lan)

Bangkok Assay Office được thành lập từ năm 1985 và chủ yếu quan tâm đến các lĩnh vực như chế biến vàng từ rác điện tử, khu nghiên cứu và đào tạo, sản xuất công nghệ, phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI), các loại chế phẩm hóa học, công nghệ nano, nhà máy sản xuất mỹ phẩm, nhà máy sản xuất container… Tuy nhiên, chế biến vàng từ rác vẫn được coi là mảng kinh doanh chính của tập đoàn đến từ Thái Lan.

Tập đoàn này nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn SOL (gồm Công ty SOL, Tập đoàn Bangkok Assay Office, Công ty TNHH AD Nano) do Chủ tịch Peter Palanugool sáng lập.

Theo đại diện của Bangkok Assay Office, tập đoàn mong muốn cung cấp những kim loại quý có chất lượng và tiêu chuẩn được chấp nhận trên thị trường quốc tế, giúp biến Thái Lan trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất toàn cầu về mảng kinh doanh này.

Trong đó, tập đoàn sử dụng công nghệ quang phổ ICP để tiến hành phân tích, kiểm tra chất lượng kim loại trước khi tinh luyện, từ đó giúp sản phẩm vàng của họ có độ tinh khiết rất cao.

Bên cạnh vàng miếng có độ tinh khiết cao, Bangkok Assay Office còn tạo ra nhiều loại trang sức với hình thù độc đáo, làm đa dạng hoá danh mục sản phẩm của tập đoàn.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kim loại quý, công ty còn cung cấp các dịch vụ tách chiết, làm sạch và kiểm định kim loại quý, với độ chính xác rất cao thông qua nhiều quy trình và sử dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ.

Kho báu ở ngay trên... bãi rác

Thời gian gần đây, ngành công nghiệp tái chế rác thải thu hồi vàng đang phát triển với tốc độ ấn tượng tại nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh căng thẳng chính trị tại nhiều khu vực cùng với sự biến động trong nền kinh tế toàn cầu, vàng đã trở thành kênh trú ẩn an toàn. Nhu cầu vàng trên toàn cầu tăng mạnh kéo theo nhu cầu tái chế kim loại để lấy vàng cũng tăng theo.

Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng các nhà máy chiết xuất vàng từ những bãi rác điện tử. Chẳng hạn, thị trấn Guiyu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) được biết tới là bãi rác chất thải điện tử lớn nhất trên thế giới. Vào lúc cao điểm, bãi rác này này tiếp nhận khoảng 15.000 tấn rác thải điện tử/ngày, gồm điện thoại di động, máy tính, ổ cứng… từ nhiều nơi đổ về.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc, với tốc độ xử lý trung bình mỗi năm tại bãi rác điện tử Guiyu, khối lượng vàng thu được có thể lên tới hơn 2.000 tấn vàng.

Phát hiện 'kho báu' siêu lớn từ rác, tỉnh ven biển miền Trung chuẩn bị đón siêu dự án 2.400 tỷ đồng của tỷ phú Thái Lan
Vàng được khai thác từ rác thải điện tử

Do đó, cứ đến cuối năm, bãi rác Guiyu sẽ đóng cửa để tiến hành tổng hợp các bộ phận có thể chiết xuất vàng từ những thiết bị điện tử, sau đó đưa đến khu chuyên chiết vàng.

Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng là một quốc gia rất quan tâm tới việc chiết xuất vàng từ rác điện tử. Minh chứng là một nhà máy ở thành phố Hiratsuka, thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, được xây dựng để xử lý các bảng mạch điện tử và trang sức. Nhà máy này xử lý khoảng 3.000 tấn rác thải gồm mạch điện tử và trang sức được tái chế mỗi năm.

Bên cạnh đó, công ty Mitsubishi Materials của Nhật Bản đặt mục tiêu có thể xử lý 240.000 tấn phế liệu mỗi năm vào cuối năm tài chính 2030, so với khoảng 160.000 tấn hiện nay.

Do nhu cầu tái chế ngày càng tăng nên ông Akio Nagaoka, người đứng đầu nhà máy, bày tỏ muốn mở rộng việc thu gom kim loại quý từ rác điện tử không chỉ ở Nhật mà còn ở tại khu vực vực ASEAN.

Ngành vàng tái chế đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Báo cáo của Verified Market Report chỉ ra quy mô của thị trường vàng tái chế được định giá 15,2 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 27,3 tỷ USD vào cuối năm 2030.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nguồn cung vàng tái chế toàn cầu tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 923,7 tấn, vượt xa mức tăng trưởng khoảng 3% của ngành khai thác mỏ. Vàng tái chế hiện chiếm dưới 30% nguồn cung toàn cầu. WGC cho biết chỉ có khoảng 200.000 tấn vàng đã được khai thác trong suốt lịch sử.

Do sản lượng từ các mỏ bị đình trệ, nên việc thu hồi vàng từ các thiết bị gia dụng cũ, điện thoại thông minh… đang trở nên quan trọng.

Cục Bảo vệ Mội trường Mỹ (EPA) ước tính, nếu chúng ta tái chế được 1 triệu chiếc điện thoại thông minh thì sẽ phục hồi khoảng 9.071,85kg đồng; 9,071kg palladim, 249,48kg bạc và đặc biệt là 22,68kg vàng.

>> Người đàn ông Nhật Bản trở thành tỷ phú nhờ phát hiện “vàng lạ” đầy đường

‘Kho báu’ khủng từng bị quên lãng: 2 thập kỉ sau trở thành ‘cơn sốt toàn cầu’, một lượng nhỏ cũng đủ dùng trong 200 năm

Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/3 Việt Nam bất ngờ chọc thủng 'hỏa ngục' 1.300 độ C, mở khóa thành công 'kho báu' vô hạn chưa từng có trên thế giới

Láng giềng Việt Nam vừa phát hiện 'kho báu' quý bậc nhất thế giới: Có thể tạo ra loại pin xe điện hiệu suất cao gấp 10 lần nhưng chỉ cần sạc 10 phút là đầy

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phat-hien-kho-bau-sieu-lon-tu-rac-tinh-ven-bien-mien-trung-chuan-bi-don-sieu-du-an-2400-ty-dong-cua-ty-phu-thai-lan-229160.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tỷ phú Thái Lan tới Việt Nam 'đãi rác tìm vàng', tỉnh ven biển miền Trung chuẩn bị đón siêu dự án 2.400 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS & INTECH