Ưu tiên giải phóng mặt bằng dự án Trung tâm điện khí LNG gần 54.000 tỷ tại tỉnh có khu kinh tế lâu đời bậc nhất Việt Nam
Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào vận hành thương mại trong giai đoạn 2026-2027.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai thực hiện dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1.
Ban Chỉ đạo gồm 12 thành viên, trong đó ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh, giữ vai trò Trưởng ban, còn ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng ban Thường trực.
BCĐ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, phương hướng, và các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, thi công và đưa dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 vào hoạt động đúng tiến độ đã cam kết..
Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban ngành và địa phương liên quan để khẩn trương triển khai xây dựng dự án theo quy định pháp luật. Đồng thời, tập trung ưu tiên giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, và hướng dẫn nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai.
>> Bộ Xây dựng chỉ ra 9 giải pháp ổn định thị trường và giảm giá nhà
Trước đó, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đã được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021.
Dự án tọa lạc trên địa bàn hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với quy mô sử dụng khoảng 148ha thuộc khu phức hợp năng lượng của khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Dự án bao gồm việc xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1) tiếp nhận tàu chở LNG có sức chứa từ 170.000-226.000m3 với công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm. Trung tâm điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) sẽ có công suất phát điện 1.500 MW.
Chủ đầu tư của dự án là tổ hợp các nhà đầu tư gồm CTCP Tập đoàn T&T, Tổng Công ty Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), và Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO).
Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào vận hành thương mại trong giai đoạn 2026-2027.
Quảng Trị là một trong những địa phương phát triển công nghiệp lâu đời tại miền Trung Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh có khu kinh tế Đông Hà, được thành lập vào năm 2005, là một trong những khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam, chỉ sau khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) vào năm 2003 và cùng năm với Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định).
>> Khu công nghiệp VSIP gần 4.000 tỷ đồng thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới