Vàng được xem là lựa chọn chiến lược của các ngân hàng Trung ương
Các ngân hàng Trung ương xem vàng là tài sản an toàn và công cụ đa dạng hóa, giúp bảo vệ dự trữ quốc gia trước những bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Theo cơ quan của Bộ Tài chính, vàng tiếp tục được các ngân hàng Trung ương đánh giá cao, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược dự trữ ngoại hối. Kim loại quý này không chỉ là một công cụ đa dạng hóa đầu tư mà còn là tài sản đảm bảo an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị ngày càng gia tăng.
Quan điểm này được củng cố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Thị trường Vàng London (LBMA) diễn ra tại Miami, nơi đại diện các ngân hàng Trung ương Mexico, Mông Cổ và Cộng hòa Czech tái khẳng định cam kết duy trì, thậm chí có khả năng tăng lượng vàng dự trữ.
Nhu cầu vàng từ các ngân hàng Trung ương đã góp phần hỗ trợ giá trong giai đoạn lãi suất cao từ năm 2022-2023. Mặc dù giá vàng đã tăng mạnh 28% trong năm 2024, dẫn đến việc một số ngân hàng, điển hình như Trung Quốc, tạm dừng mua vàng. Nhưng tại hội nghị Miami, các đại diện khẳng định rằng giá trị lâu dài của vàng không chỉ phụ thuộc vào biến động ngắn hạn.
Mỗi quốc gia có những lý do khác nhau để nắm giữ vàng. Mông Cổ xem vàng là tài sản an toàn, CH Czech xem đó là công cụ để đa dạng hóa danh mục đầu tư, trong khi Mexico nhấn mạnh vai trò của vàng như một hàng rào bảo vệ trước những bất ổn như lãi suất thấp, căng thẳng địa chính trị và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Đại diện Ngân hàng Trung ương Mexico cho biết họ đang cân nhắc việc tăng tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối. Các đại diện từ Mông Cổ và CH Czech cũng đồng tình với xu hướng này, dự đoán lượng vàng dự trữ sẽ tăng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, cả ba quốc gia đều không sử dụng công cụ phái sinh vàng và vẫn tin tưởng London là nơi lưu trữ vàng chính. Tuy nhiên, Mông Cổ có ý định đưa một phần vàng về nước.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 28%, vượt trội so với cả chứng khoán và trái phiếu Mỹ. Việc các ngân hàng Trung ương tiếp tục mạnh tay mua vào đã góp phần quan trọng vào đà tăng của kim loại quý này, nhằm bảo vệ tài sản quốc gia trước các bất ổn toàn cầu.
Theo ông Terrence Keeley, cựu quản lý cấp cao của BlackRock và hiện là CEO của công ty nghiên cứu Impact Evaluation Lab, trung bình 15% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng Trung ương được giữ bằng vàng theo giá thị trường.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng ghi nhận lượng mua vàng của các ngân hàng Trung ương toàn cầu tăng 6%, tương đương 183 tấn trong quý II/2024. Tuy nhiên, dự báo từ WGC cho thấy lượng mua này có thể giảm xuống còn 150 tấn trung bình trong cả năm. Mặc dù vậy, nhu cầu vàng từ các ngân hàng Trung ương vẫn được xem là yếu tố quyết định trong việc định hình thị trường vàng thế giới.
>> Mua bán vàng giả mạo nhãn hiệu và ngoại tệ trái phép, một tiệm vàng bị phạt nặng