Vay tiền 'đánh' chứng khoán, công ty dạy làm giàu của diễn giả nổi tiếng trên mạng thoát cảnh thua lỗ
Khoản lãi tài chính giúp Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (VLA) thoát lỗ trong quý III/2024. Công ty dạy làm giàu này đang đối mặt với thách thức lớn khi chi phí bán hàng còn lớn hơn cả doanh thu.
CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu 2,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 502 triệu đồng. Sự tích cực này đến từ việc doanh nghiệp bất ngờ có khoản doanh thu tài chính 835 triệu đồng, gồm: 330 triệu đồng tiền lãi cho vay, 496 triệu đồng lãi từ đầu tư chứng khoán và lợi nhuận khác.
Trong kỳ, doanh nghiệp này đã đầu tư 9,4 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng tài sản, vào chứng khoán. Các cổ phiếu được mua vào là BID, DPM, VHM, VIX, BSR, VEA, VLC, và DPG. Cùng với đó, khoản nợ vay ngắn hạn 8 tỷ đồng xuất hiện (ngày 30/6 không có).
Danh mục đầu tư chứng khoán của VLA (Nguồn: BCTC) |
VLA thua lỗ trong 6 tháng đầu năm. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 4,9 tỷ đồng và lỗ sau thuế lên đến 6,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ chi phí bán hàng quá lớn, lên đến 6,7 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu giảm từ 43,6 tỷ đồng xuống còn 37,2 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản là 46,9 tỷ đồng, bao gồm: 6,7 tỷ đồng tiền mặt, 15,3 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (chứng khoán + tiền gửi tiết kiệm), 24 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và các khoản khác.
Trong 24 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, có 18 tỷ đồng đến từ một thương vụ đầu tư thất bại. Năm 2022, VLA đã mua một khách sạn ở Quảng Ninh với giá 18 tỷ đồng để làm văn phòng đại diện và kinh doanh nhà hàng, khách sạn nhưng gặp vấn đề pháp lý. Dự án không thể sang tên về VLA và hoạt động kinh doanh cũng gặp khó khăn. Công ty buộc phải thanh lý hợp đồng, thu hồi vốn và giải quyết các thủ tục bồi thường theo quy định.
Đáng chú ý, mặc dù VLA có kết quả kinh doanh kém khả quan, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty lại là dạy người khác làm giàu. Hiện nay, hoạt động chính của VLA là tổ chức các khóa học dạy làm giàu như "Siêu trí tuệ đầu tư," với học phí từ học viên là nguồn thu chính của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Tiến và ông Đặng Trọng Khang là hai cổ đông lớn tại đây, sở hữu lần lượt 11,47% và 24,95% cổ phần. Vào tháng 6 vừa qua, ông Tiến đã mua lại toàn bộ cổ phần của ông Khang cùng nhiều cá nhân khác để nâng tỷ lệ sở hữu lên 48,73% vốn điều lệ.
Đây cũng là hai diễn giả thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội để quảng bá về các khóa học đầu tư của mình. Việc chạy quảng cáo quá đà nhằm thu hút học viên có thể là một phần nguyên nhân đẩy chi phí bán hàng tăng cao, gây ra khoản lỗ lớn cho doanh nghiệp.
Trên thị trường, VLA có thị giá 15.100 đồng/cp với thanh khoản thấp, thậm chí có những phiên không có cổ phiếu nào được khớp lệnh. Vốn hóa hiện tại là 60,3 tỷ đồng.
Về thù lao, ông Tiến là diễn giả chính và trong quý III/2024, ông nhận 26 triệu đồng chi phí giảng viên, 3 triệu đồng phụ cấp HĐQT, và 55 triệu đồng tiền lương. Tổng thu nhập từ VLA của ông này là 84 triệu đồng, tương ứng 28 triệu đồng/tháng.
>> Công ty chuyên dạy làm giàu báo lỗ kỷ lục, dạy đầu tư BĐS nhưng mua trúng dự án vướng mắc pháp lý
Chứng khoán HSC báo lãi 222 tỷ đồng, đánh đổi lợi nhuận mảng môi giới lấy cho vay margin?
Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chốt được ‘khách sộp’ ký kết mua và thuê 1.000 xe điện VinFast