Áp lực từ bên ngoài gia tăng mạnh hơn so với kỳ vọng khiến NHNN buộc phải tìm những phương án thay thế mới cho chính sách tiền tệ.
Tìm thế cân bằng mới
Sự lệch pha về cung-cầu tiền đã diễn ra trong thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đang gây áp lực điều tiết lên NHNN.
Diễn biến trên kéo theo quyết định nâng giá bán ngoại tệ của NHNN vào ngày 7/9, từ mức 23.400 đồng/USD lên 23.700 đồng/USD, cao hơn 1,3% so với tỷ giá thay đổi lần gần nhất vào ngày 4/7.
Mức điều chỉnh này cũng cao hơn so với lần điều chỉnh trước, đồng nghĩa với việc NHNN chấp nhận cho tiền đồng mất giá thêm trong bối cảnh khó cân đối cung-cầu tiền trong hệ thống.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tại VDSC, kỳ họp nâng lãi suất tháng 9 tới đây của Fed sẽ là một phép thử quan trọng đối với sức bền của các bộ đệm giúp ổn định tỷ giá trong nước.
Thực tế diễn ra sớm hơn kỳ vọng của các chuyên gia theo hướng NHNN buộc phải nâng tỷ giá để chuẩn bị trước cho biến động của kỳ họp diễn ra vào ngày 21/09 sắp tới của Fed khi áp lực bên ngoài vẫn tăng cường và bộ đệm dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán đã yếu đi đáng kể.
Tỷ giá trên thị trường trung tâm của cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 16/9 ở mức 23.283 đồng, tăng 6 đồng so với mức công bố trước. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.585 VND/USD, tỷ giá trần 23.981 VND/USD. Tương ứng với mức mất giá 3,3%-3,6% so với đầu năm.
VDSC cho rằng, việc nâng mạnh tỷ giá bán của NHNN và ngừng hẳn giao dịch mua USD từ các NHTM vừa cho thấy áp lực lớn đối với mục tiêu ổn định tỷ giá nhưng cũng vừa là một động thái mang tính chuẩn bị.
Ngưỡng mất giá mới 3% so với ngưỡng mất giá 2,5% vào tháng 7 đối với tiền đồng có thể coi là mục tiêu cân bằng mới mà NHNN đang hướng tới trong các tháng còn lại của năm 2022.
Sau ngày 7/9, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng đã hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn ở mức cao, trong bối cảnh này, tỷ giá USD tự do tương đối bình ổn, duy trì ở vùng 24.090-24.140 đồng/USD cũng cho thấy nhu cầu đầu cơ không phải quá lớn sau đợt điều chỉnh tỷ giá của NHNN vừa qua.
Các chuyên gia tại VDSC vẫn bảo lưu quan điểm sau kỳ họp của Fed vào tháng 9, các bước tăng lãi suất dễ thở hơn có thể phần nào kiềm hãm đà tăng của đồng USD.
Điều này đặt trong bối cảnh ECB có thể nâng lãi suất nhanh hơn, hy sinh tăng trưởng, trong khi đó, Trung Quốc có nỗ lực kích thích kinh tế mạnh hơn sau đại hội Đảng. Trên cơ sở này, VDSC cho rằng, tiền đồng cả năm nay sẽ chỉ mất giá ở khoảng 3%.
Rủi ro đối với kịch bản này là về cuối năm, khi chênh lệch trong tăng trưởng kinh tế giữa Mỹ và các quốc gia khác có sự khác biệt đáng kể để đẩy đồng USD lên một mức mới, chẳng hạn như vùng 120 thì tiền đồng có thể mất giá hơn nữa ở mức 4-5% cho cả năm 2022.
Nới room tín dụng thận trọng
Cũng trong ngày 7/9, NHNN đã công bố hạn mức tín dụng mới cho các NHTM, chưa đến ½ số lượng ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới. Hạn mức tín dụng lần hai có sự phân hóa.
Theo đó, nhóm NHTM được cấp hạn mức cao vào đầu năm (15%) tiếp tục nhận được một hạn mức lần hai cao có VCB, MBB và HDB. Nhóm NHTM được cấp hạn mức tín dụng 10% vào đầu năm có sự phân hóa, STB nhận hạn mức lần hai cao nhất, theo sau là OCB, VIB và ACB, trong khi đó, nhóm còn lại nhận được hạn mức tín dụng thấp hơn đáng kể hoặc không được nới thêm.
Một số ngân hàng nhận hạn mức tín dụng thấp vào đầu năm (7,0%) cũng nhận được một dư địa khá trong đợt nới room tín dụng lần này như AGRB (3,5%) hay SHB (3,2%).
VDSC ước tính lượng room tín dụng được phân bổ trong đợt này có thể đạt xấp xỉ 175.000 tỷ đồng. Tính đến 26/8, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế là 9,91%, tương đương mức tăng 1.035.008 tỷ đồng so với đầu năm.
Đợt phân bổ tín dụng lần này của NHNN theo đánh giá của chúng tôi là khá thận trọng so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2022 và chúng tôi cho rằng vẫn còn có thêm một đợt nới room nữa trong nửa sau của quý 4/2022.
Điều này cũng đồng nghĩa cung tín dụng hạn hẹp trong khi nhu cầu vay về cuối năm thường cao, kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Doanh nghiệp thủy sản nào hưởng lợi lớn nhất nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc?
VN-Index có thể đạt mốc 1.345 điểm trước mùa BCTC quý IV/2024