Sự lệch pha về cung-cầu tiền đã diễn ra trong thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đang gây áp lực điều tiết lên NHNN.
Áp lực từ bên ngoài gia tăng mạnh hơn so với kỳ vọng
Kể từ giữa tháng 8/2022, đồng USD bật tăng mạnh trong bối cảnh Fed thể hiện thông điệp quyết tâm thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát, các dữ liệu kinh tế từ Mỹ nhìn chung vẫn tốt hơn so với suy thoái chực chờ ở khu vực EU và tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc. Trong tháng 8, chỉ số đồng USD tăng 2,6%, mức tăng theo tháng cao thứ 3 sau mức tăng mạnh 4,7 trong tháng 4 và 2,9% trong tháng 6.
Hiện tại, chỉ số đồng USD đang giao dịch ở mức 109,8, thấp hơn 9,6% so với mức đỉnh gần nhất vào đầu năm 2002 tại 120,3.
Ngoài áp lực từ việc tăng giá của chỉ số USD thì diễn biến cặp tỷ giá USD/CNY vốn có tương quan cao với tỷ giá USD/VND cũng đáng lưu ý. Đồng NDT ghi nhận mức mất giá 2,2% trong thời gian vừa qua, mức mất giá mạnh thứ hai theo tháng kể từ tháng 4/2022 (4,2%).
Ngày 5/9, NHTW Trung Quốc (PBoC) tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc đối với NHTM từ mức 8% về 6%. Đây là một động thái mạnh tay nhằm kiềm chế đà mất giá của đồng CNY, đợt cắt giảm lần này cũng cao hơn so với đợt cắt giảm trước đó diễn ra vào ngày 15/5 từ mức 9% về 8%.
Dù vậy, trước áp lực rút vốn ròng, chính sách tiền tệ ngược chiều với Fed trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy tỷ giá USD/CNY có thể tiến về ngưỡng 7 vào cuối năm nay, tương đương với mức mất giá hơn 10% cho cả năm 2022.
Đương đầu với nhiều vấn đề
Trong VDSC, cập nhật thị trường tiền tệ tháng 8 ngày 25/08 đã đề cập đến việc sử dụng nghiệp vụ thị trường mở của NHNN trong việc điều tiết cung tiền trong đó có đề cập quan ngại về việc “mức cung tiền mục tiêu bao nhiêu là phù hợp và mức độ chấp nhận tiền đồng phá giá trong phạm vi cho phép là bao nhiêu để cân đối được với chi phí bỏ ra. Khả năng dự báo, linh hoạt với diễn biến thị trường, giảm bớt sự lệch pha không cần thiết trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ là những vấn đề NHNN có thể sẽ cần cân nhắc trong thời gian tới.”
Thực tế, sự lệch pha về cung-cầu tiền đã diễn ra trong thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Dù chênh lệch lãi suất VND/USD đã được kéo về mức dương tương đối an toàn hơn 2 điểm %, nhu cầu USD trong hệ thống vẫn không hạ nhiệt.
Việc NHNN vẫn phải liên tục bán USD để ổn định tỷ giá khiến cho một lượng lớn tiền đồng bị rút ra khỏi hệ thống, theo ước tính của VDSC là khoảng 60-65 tỷ đồng.
Trên thị trường mở, vừa qua, NHNN vẫn liên tục phát hành tín phiếu để kéo lãi suất liên ngân hàng lên. Giữa tháng 8, lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng giảm về mức thấp 1,99%/năm, sau đó tăng trở lại mức 4,42%/năm vào cuối tháng 8/2022.
Tuy nhiên, tuần trước và sau kỳ nghỉ lễ 2/9, NHNN buộc phải bơm tiền trở lại nhằm bổ sung thanh khoản cho hệ thống. Tình hình thanh khoản trong hệ thống NHTM khá căng thẳng khi ngày 7/9, lãi suất cho vay qua đêm ở mức cao kỷ lục 6,88%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Từ 5/9-13/9, NHNN đã bơm ròng khoảng 14.052 tỷ đồng qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, cùng với lượng tín phiếu đáo hạn được bơm trở lại là 34.100 tỷ đồng thì tổng số tiền bơm ròng ước đạt 48.152 tỷ đồng.
Tính đến ngày 13/9, số dư trên thị trường OMO là 36.400 tỷ đồng, số dư tín phiếu NHNN phát hành còn khoảng 21.000 tỷ đồng.
Đầu tuần này, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt còn 4,2%/năm, cho thấy vấn đề thiếu hụt thanh khoản đã tạm lắng.
Theo VCBS, có thể thấy rõ trong giai đoạn này, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô. Áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng.