Ông là một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng giữa Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Vị tướng của hai quốc gia
Sinh năm 1908, mang trong mình tinh thần yêu nước và sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, Nguyễn Sơn (tên thật là Vũ Nguyên Bác) thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Năm 1925, Vũ Nguyên Bác được phái viên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là đồng chí Nguyễn Công Thu đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia lớp huấn luyện chính trị đặc biệt do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Tại đây, ông đã tham gia vào những hoạt động cách mạng của nhân dân Quảng Châu và được nhận vào học tại khóa thứ tư của Trường Quân sự Hoàng Phố.
Nguyễn Sơn vốn thông minh lại có khả năng ăn nói sắc sảo thế nên ông có thể nói tiếng Trung trôi chảy như một người Trung Quốc bản địa. Ông được xem là trí tướng văn võ song toàn, một người chỉ huy quân sự tài ba và là người hoạt động văn hóa xuất sắc khi từng đảm nhận chức Tổng Biên tập tờ "Kháng địch báo", Tổng Biên tập Tạp chí "Huấn luyện chiến đấu" của Quận ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đoàn trưởng Đoàn kịch đầu tiên trong lịch sử quân đội Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều đánh giá cao về cuộc đời và binh nghiệp của tướng Nguyễn Sơn. Ông được Chính phủ Việt Nam phong quân hàm Thiếu tướng vào năm 1948 và được Chính phủ Trung Quốc phong quân hàm Thiếu tướng vào năm 1955. Với những chiến công xuất sắc, ông là trường hợp duy nhất được phong hàm Thiếu tướng ở hai quốc gia và đều trong đợt phong quân hàm đầu tiên. Vì vậy, nhân dân hai nước Việt - Trung gọi ông là "Lưỡng quốc tướng quân".
Bước ngoặc sự nghiệp cách mạng
Mùa hè năm 1925 đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Sơn khi ông tham gia lớp cán bộ thanh niên do Hồ Chủ tịch tổ chức. Trong thời gian học tập, ông gia nhập "Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội", trở thành một trong những Đảng viên sớm nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 8/1927, Nguyễn Sơn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chỉ vài tháng sau, ông đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa Quảng Châu do Trương Thái Lôi, Diệp Đình,… lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa không thành công, ông chuyển sang Thái Lan làm công tác kiều vận.
Năm 1929, Nguyễn Sơn quay trở lại Quảng Châu và tham gia vào cuộc vũ trang do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo. Tại đây, ông giữ chức vụ Chính ủy Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Hồng quân số 48. Khi Quân đoàn Hồng quân 12 được thành lập, Hồng Thủy (tên gọi thời điểm đấy của Nguyễn Sơn) đã giữ các vị trí quan trọng như Chính ủy Trung đoàn và Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 34.
Đến năm 1932, Nguyễn Sơn đã đảm nhận vai trò Trưởng khoa Tuyên truyền và là giáo viên chính trị văn hóa tại Trường Quân sự Trung ương. Ông còn tham gia thành lập Đoàn kịch Công nông, đoàn kịch đầu tiên trong lịch sử Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn.
Không chỉ là người nước ngoài trải qua những chức vụ chỉ huy quan trọng trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, tháng 1/1934, tại Đại hội Đại biểu công nông binh toàn quốc lần thứ 2, Hồng Thủy còn được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nước Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa với tư cách là “Đại biểu dân tộc ít người” kiêm Ủy viên Chính phủ Dân chủ công nông khu Xô-viết Trung ương. Sau đó, Hồng quân Trung Quốc mở cuộc trường chinh lịch sử hai vạn dặm, ông lại tích cực tham gia với cương vị Ủy viên đoàn cán bộ Quân ủy Trung ương.
Trong cuộc trường chinh kháng Nhật, Nguyễn Sơn đảm nhận các chức vụ Chủ nhiệm Ban Chấp hành Hội Lao động khu bốn huyện Ngũ Điều, Trưởng ban Tuyên truyền Đảng ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc khu Tiến Đông Bắc (cấp hành chính giữa huyện và tỉnh); Tổng Biên tập tờ "Kháng địch báo"; Trưởng ban Tuyên truyền Liên khu Tiến Sát ký (quân khu gồm 3 tỉnh Sơn Tây, Cáp Nhĩ Tân và Hồ Bắc).
Trở về quê hương
Năm 1945, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh hòng đánh chiếm nước ta lần nữa. Với lòng yêu nước nồng nàn và theo yêu cầu của cách mạng Việt Nam, Hồng Thủy trở về căn cứ Việt Bắc tiếp tục hoạt động. Với tên mới là Nguyễn Sơn, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng tin tưởng giao đảm trách nhiều cương vị quan trọng trong chính quyền và quân đội.
Hồ Chủ tịch đã cử tướng Nguyễn Sơn làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và sau khi quân Pháp đã tiến ra đánh chiếm miền Nam Trung Bộ, Hồ Chủ tịch lại cử ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Trung Bộ để ông vừa chỉ huy tác chiến, vừa nghĩ kế lâu dài là đào tạo cán bộ cho quân đội nên ông lập ra Trường Quân chính Quảng Ngãi.
Tuy dành phần lớn cuộc đời cho nhiệm vụ cách mạng quốc tế, song trong khoảng thời gian gần 5 năm hoạt động trong nước, Nguyễn Sơn - Hồng Thủy đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc trong buổi đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng có ghi lại: "Tướng Nguyễn Sơn (Vũ Nguyên Bác) là người chỉ huy có tài năng. Ông có nhiều tài năng, có tài chỉ huy chiến đấu và có tài về huấn luyện quân sự, có tài về công tác chính trị, văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc cổ truyền. Vừa vào thay thế ông ở Quân khu 4, tôi đã học được ở ông về công tác huấn luyện quân sự. Đó là "Đại hội luyện quân lập công"."
"Đại hội luyện quân lập công" là sáng kiến rất mới về công tác chính trị trong huấn luyện quân sự. Sau Đại hội đó, bộ đội Quân khu 4 đã tiến một bước mới về huấn luyện và tinh thần hăng say học tập và học tập có chương trình sát với thực tế chiến đấu.
Vị tướng văn võ toàn tài
Năm 1950, thông qua thương lượng giữa Hồ Chủ tịch và lãnh đạo Trung Quốc, Nguyễn Sơn quay lại Trung Quốc lần thứ ba. Sau một thời gian học tập tại Học viện Quân sự Nam Kinh, Nguyễn Sơn đảm nhiệm các chức vụ Phó Cục trưởng Cục Điều lệnh Bộ Tổng giám huấn luyện của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Tổng Biên tập "Tạp chí huấn luyện chiến đấu" của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mùa hè năm 1956, Nguyễn Sơn bị bệnh ung thư. Vì nhớ Tổ quốc, quê hương, ông đã đề đạt nguyện vọng trở về Việt Nam và được Đảng và Chính phủ cả hai nước chấp nhận. Ông tạ thế tại Hà Nội ngày 21/10/1956.
“Ra đi” ở tuổi 49, khi tài năng và sự nghiệp quân sự đang ở “độ chín”, song cuộc đời và sự nghiệp của “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn - Hồng Thủy mãi mãi là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, hữu nghị của hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc.