Vì sao cổ phiếu Vietnam Airlines chưa bị HoSE hủy niêm yết như Xây dựng Hòa Bình và HAGL Agrico?
HoSE lưu ý khả năng hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) nhưng đến nay vẫn chưa quyết định "thi hành án" dù Xây dựng Hòa Bình (HBC) và HAGL Agrico (HNG) đã có thông báo.
Các cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN), Xây dựng Hòa Bình (HBC), HAGL Agrico (HNG) đều nằm trong danh sách cảnh báo hủy niêm yết được HoSE công bố hồi đầu năm.
Lý do, theo khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Tháng 7 vừa qua, HoSE đã thực hiện "thi hành án" đối với HBC và HNG. Hai công ty này cũng đã lên kế hoạch đưa cổ phiếu về giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, đến nay HoSE vẫn chưa có động thái nào đối với Vietnam Airlines dù công ty này đã thua lỗ trong 4 năm liên tiếp. Cụ thể, số lỗ sau thuế năm 2020 là 11.178 tỷ đồng, năm 2021 là 13.279 tỷ đồng, năm 2022 là 11.223 tỷ đồng, và năm 2023 là 5.632 tỷ đồng. Đồng thời, tại thời điểm ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của công ty âm 17.026 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Vietnam Airlines là trường hợp đặc biệt?
Trả lời về khả năng cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines, cho biết tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Trước khi Covid-19 xảy ra, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về vốn hóa lớn trên sàn HoSE, có tài chính lành mạnh. Yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch ập đến khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới lao đao, không chỉ riêng Vietnam Airlines.
Ông Hiền khẳng định công ty đang có nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả của Covid-19. Từ năm 2024 trở đi, công ty có thể tự cân bằng dòng tiền để tổ chức sản xuất kinh doanh mà không cần hỗ trợ, qua đó khắc phục khả năng hủy niêm yết của HVN.
Hồi đầu năm, UBCKNN có công bố lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Trong đó, Điều 120 được đề xuất bổ sung nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định."
Quy định này được xem là cơ sở pháp lý mở đường cho một số công ty được duy trì niêm yết trên HoSE.
Kết quả kinh doanh từng bước được cải thiện
Nguồn: Tổng hợp |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines thoát lỗ, lợi nhuận sau thuế đạt 5.476 tỷ đồng, chủ yếu do công ty được xóa khoản nợ 3.030 tỷ đồng trong quý I/2024. Để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu, công ty lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư riêng lẻ để tăng vốn.
Mới đây, Quốc hội cũng cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% trong tối đa 5 năm.
Cũng cần lưu ý rằng, không chỉ có Vietnam Airlines khởi sắc. Xây dựng Hòa Bình của Chủ tịch Lê Viết Hải cũng báo lãi lớn trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận đạt 741 tỷ đồng. Xây dựng Hòa Bình lên kế hoạch đưa vốn chủ sở hữu lên 7.165 tỷ đồng chỉ trong 3 năm thông qua nhiều biện pháp như phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ, thanh lý tài sản, thu hồi công nợ...
>> Thị giá Vietnam Airlines (HVN) chia đôi sau một tháng, cổ đông Nhà nước hụt 31.000 tỷ đồng tài sản