Vì sao khách quốc tế đến Việt Nam chỉ tiêu 300 USD dù mang theo tới 5.000 USD?
Du khách đến Việt Nam được mang 5.000 USD nhưng chỉ chi chưa tới 300 USD.
Dù được phép mang vào Việt Nam tới 5.000 USD mà không cần khai báo, mỗi du khách quốc tế chỉ chi khoảng 300 USD. Điều gì đang cản trở dòng tiền từ khách ngoại ở lại với nền kinh tế Việt?
![]() |
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Ảnh minh hoạ |
Tại hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam” vừa diễn ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), đưa ra một nghịch lý đáng chú ý. Du khách quốc tế đến Việt Nam có thể mang theo tới 5.000 USD mà không cần khai báo, nhưng thực tế, số tiền họ chi tiêu chỉ khoảng 300 USD mỗi người.
Theo ông, nguyên nhân không nằm ở việc du khách không muốn tiêu tiền, mà ở chỗ Việt Nam chưa tạo ra đủ điều kiện để họ có thể tiêu nhiều hơn. Hàng hóa, đặc biệt là hàng hiệu tại Việt Nam, có giá cao do chịu nhiều tầng thuế, trong khi các điểm mua sắm đạt chuẩn quốc tế còn quá ít.
>>Doanh nghiệp ‘loay hoay’ với chuyển đổi xanh trong ngành du lịch
Chia sẻ hành trình từ khi trở lại Việt Nam năm 1985, ông Johnathan cho biết kinh tế tư nhân được chính thức công nhận từ năm 1986, và từ đó đến nay đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần cốt lõi của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông thẳng thắn nhìn nhận: "Kinh tế tư nhân của chúng ta chưa phát triển đúng tầm. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế".
Mặc dù Việt Nam đã mở cửa và tạo điều kiện đáng kể cho doanh nghiệp tư nhân, song theo ông, cánh cửa vẫn chưa thực sự rộng mở, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ và du lịch. Điều này dẫn đến thực trạng: khách nước ngoài đến Việt Nam đông nhưng chi tiêu rất ít.
Ông cho rằng điều quan trọng là cần cải thiện cả chất và lượng của hệ sinh thái tiêu dùng cho khách du lịch. Cụ thể, ba điểm nghẽn lớn đang cản trở ngành bán lẻ và du lịch bao gồm: chính sách hoàn thuế cho du khách chưa đủ hấp dẫn, thiếu vắng các trung tâm mua sắm cao cấp đạt chuẩn quốc tế, và chưa có cơ chế ưu đãi hiệu quả để thúc đẩy sản xuất hàng hóa nội địa chất lượng phục vụ khách du lịch.
Nếu không nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt này, theo ông Johnathan, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với những điểm đến hàng đầu trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Hàn Quốc.
Nêu ví dụ cụ thể, ông nhắc đến Thương xá Tax tại trung tâm Quận 1 (TP.HCM) là một khu đất thương mại đắc địa nhưng không được khai thác hiệu quả. Ông nói: “Những khu đất ấy, người có thì không cần, còn người cần thì lại không có”.
Từ đó, ông đề xuất Nhà nước cho phép các doanh nghiệp tư nhân có năng lực thuê lại những khu đất này với mức giá cạnh tranh. IPPG sẵn sàng trả giá cao để đầu tư phát triển các trung tâm mua sắm hiện đại, phục vụ không chỉ khách du lịch mà cả người tiêu dùng trong nước. Theo ông, điều này sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu cho dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nguồn thu bền vững cho Nhà nước.
![]() |
Một gian hàng miễn thuế. Ảnh: Vulcan Post. |
Một đề xuất khác được ông nhấn mạnh là cần triển khai cơ chế hoàn thuế đơn giản, thuận tiện hơn cho khách du lịch, với các điểm hoàn thuế đặt tại sân bay, trung tâm thương mại, chợ đêm và các khu du lịch trọng điểm. Ông cho rằng đây là cách làm đã phổ biến tại nhiều quốc gia và cần được áp dụng nghiêm túc tại Việt Nam.
Cuối cùng, ông đề xuất thành lập một hiệp hội phát triển bán lẻ du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp uy tín. Hiệp hội này sẽ đóng vai trò tư vấn chính sách, nghiên cứu hành vi tiêu dùng và định hướng phát triển các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách du lịch, tạo nên nét đặc trưng cho ngành bán lẻ du lịch Việt Nam.
Ông khẳng định, nếu những điểm nghẽn trên được tháo gỡ, không chỉ khối tư nhân có thể phát huy năng lực mà ngành du lịch và bán lẻ cũng sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu để kinh tế tư nhân đóng góp tới 70% GDP vào năm 2030.