Vì sao ông Trump đánh thuế 25% lên thép và nhôm, Mỹ có thực sự hưởng lợi?
Tổng thống Mỹ một lần nữa đưa thuế quan trở thành vũ khí trong chính sách thương mại của mình, lần này nhắm vào thép và nhôm nhập khẩu với mức thuế 25%.
Trong nỗ lực định hình lại quan hệ thương mại của Mỹ với thế giới, Tổng thống Donald Trump đã công bố một loạt thuế quan mới, bao gồm mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Theo số liệu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu 2 kim loại này vào Mỹ lên tới gần 50 tỷ USD. Một quan chức Mỹ cho biết các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3.
Dù mục tiêu chính là thúc đẩy sản xuất trong nước, động thái này được cho là có thể gây tác động rộng hơn đến nền kinh tế, khi Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của những ngành quan trọng như xây dựng, sản xuất ô tô và thiết bị quân sự.
![Vì sao ông Trump đánh thuế 25% lên thép và nhôm, Mỹ có thực sự hưởng lợi? - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_11-_1400x933_grlm.jpg)
Thuế mới có gì khác biệt?
Ông Trump tuyên bố mức thuế này sẽ áp dụng cho tất cả các quốc gia, bao gồm cả sản phẩm thép và nhôm thành phẩm – một thay đổi quan trọng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá cả tiêu dùng tại Mỹ.
Trước đây, thuế chủ yếu nhắm vào nguyên liệu thô, nhưng lần này, danh mục áp thuế mở rộng sang các sản phẩm chế biến như linh kiện ô tô, khung cửa sổ hay vật liệu xây dựng cao ốc.
Vì sao ông Trump nhắm vào thép và nhôm?
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã nhiều lần lên án sự suy giảm của ngành thép và nhôm Mỹ - vốn suy yếu trong nhiều thập kỷ khi Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc sản xuất toàn cầu.
Năm 2018, ông áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước bằng cách khiến nguyên liệu ngoại đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, một số đối tác lớn như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) sau đó đã được miễn trừ.
Dù vậy, các ngành công nghiệp Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với nguồn cung từ nước ngoài.
![Vì sao ông Trump đánh thuế 25% lên thép và nhôm, Mỹ có thực sự hưởng lợi? - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_11-_anh_chup_man_hinh_2025-02-11_170903_yrkt.png)
Những nước nào sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất?
Theo Morgan Stanley, hơn 80% nhu cầu nhôm và 17% nhu cầu thép của Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Canada có thể là quốc gia chịu tác động mạnh nhất do là nhà cung cấp hàng đầu cả 2 loại kim loại này cho Mỹ. Số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, Canada chiếm 58% tổng lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ, tiếp theo là UAE (6%) và Trung Quốc (4%).
Với thép, Canada cũng dẫn đầu với 23%, tiếp theo là Brazil (16%), Mexico (12%) và Hàn Quốc (10%).
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Dù ông Trump đã công bố kế hoạch áp thuế, nhưng dựa vào kinh nghiệm nhiệm kỳ trước, chuyên gia cho rằng vẫn có khả năng sẽ có các cuộc đàm phán.
Trong nhiệm kỳ đầu, một số quốc gia xuất khẩu và một số công ty dầu khí Mỹ đã được loại trừ khỏi danh sách áp thuế do nhu cầu về nguyên liệu đặc thù.
Lần này, các quan chức Mỹ tỏ ra thận trọng hơn trong việc cấp quyền miễn trừ, nhưng ông Trump vẫn để ngỏ khả năng nới lỏng đối với Australia - do nước này nhập khẩu nhiều máy bay sản xuất tại Mỹ.
Ngoài ra, ông cũng bày tỏ ý định áp thuế lên nhập khẩu đồng. Dù vậy, quá trình triển khai có thể mất thêm thời gian so với thép và nhôm.
![Vì sao ông Trump đánh thuế 25% lên thép và nhôm, Mỹ có thực sự hưởng lợi? - ảnh 3](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_11-_1400x934_eogd.jpg)
Liệu thuế quan có đạt được mục tiêu?
Mục tiêu ban đầu của việc áp thuế lên thép và nhôm là giúp Mỹ tự chủ hơn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tính đến năm 2024, sản lượng ngành thép Mỹ đã giảm 1% so với năm 2017 – trước khi loạt thuế đầu tiên được áp dụng – trong khi ngành nhôm sụt giảm gần 10%.
Nguyên nhân chính của sự suy giảm này không chỉ do cạnh tranh nước ngoài, mà còn bởi chi phí sản xuất trong nước ngày càng tăng cao, đặc biệt là chi phí lao động và năng lượng. Canada vẫn giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nhôm cho Mỹ nhờ vào lợi thế sản xuất với nguồn thủy điện giá rẻ.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế của ông Trump có nguy cơ khiến chi phí sinh hoạt tăng cao, ảnh hưởng đến các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu. Điều có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát mà chính vị Tổng thống đã cam kết kiểm soát.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ lập luận rằng thuế quan chỉ là một phần trong chiến lược kinh tế lớn hơn, bao gồm cắt giảm thuế và mở rộng khai thác năng lượng trong nước, nhằm giảm chi phí tổng thể.
Theo BNN
Mục đích và những ảnh hưởng từ 'cuộc chiến thương mại' của ông Trump
Cả thế giới chấp chới vì việc áp thuế 'không ngoại lệ' của ông Trump