Vị vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam

31-03-2024 10:48|Nam Trần

Trong lịch sử Việt Nam, ông được đánh giá là một vị minh quân, được quần thần, dân chúng nể trọng.

Một đấng minh quân tài đức vẹn toàn

Lê Nhân Tông (1441 - 1459) có tên húy là Lê Bang Cơ, con trai của vua Lê Thái Tông và bà Nguyễn Thị Anh. Năm một tuổi, ông được lập làm Hoàng thái tử. Lúc bấy giờ, vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời vào ngày 4/8/1442. 4 tháng sau, Lê Bang Cơ được các đại thần như Trịnh Khả, Lê Thụ, Nguyễn Xí đưa lên ngôi. Thời điểm này Lê Bang Cơ chỉ mới một tuổi sáu tháng. Ông trở thành vị vua lên ngôi sớm nhất lịch sử Việt Nam và là vị hoàng đế thứ ba của Hoàng triều Lê nước Đại Việt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vua Lê Nhân Tông lên ngôi lúc hơn một tuổi, dĩ nhiên không thể một mình gánh vác giang sơn. Nguyễn Thị Anh, mẹ vua được tôn làm Hoàng thái hậu, phải buông rèm nhiếp chính, quyết đoán việc nước. Theo Đại Việt thông sử, các đại thần dâng tờ biểu mong bà buông rèm nhiếp chính nhưng bà không chịu nhận. Quần thần dâng biểu lần thứ tư, bà mới nhận lời. Năm Lê Nhân Tông lên mười hai tuổi mới chính thức được nắm quyền lực trong tay, lo chuyện chính sự, còn Hoàng thái hậu lui về hậu cung.

Sử sách mô tả Lê Nhân Tông là vị hoàng đế đức độ, coi trọng Nho học, không đam mê tửu sắc, và biết nghe can gián. Nước Đại Việt dưới thời trị vì của ông đã giữ được sự ổn định cao, kinh tế và giáo dục có sự đổi mới mạnh mẽ, đường xá, cầu cống được xây mới, nông nghiệp phát triển. Đại quân của nhà Lê còn đánh bại vua Chiêm là Bí Cai và sáp nhập xứ Bồn Man vào Đại Việt, mở mang bờ cõi.

Ngoài ra, vua giảm sưu thuế, ban thưởng cho công thần, tiêu diệt thảo khấu, loạn đảng, bình định ngoại bang… khiến triều thần kính nể, nhân dân no ấm, đất nước phồn vinh. Ông còn độ lượng với các công thần khai quốc nhưng lỡ có tội và bị xử tử trước đây, ra nhiều chiếu chỉ biểu dương công lao của họ, hoặc trả lại của cải, ruộng đất cho con cháu họ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ ngày 21/2/1453, vua bắt đầu đích thân coi chính sự, đổi niên hiệu, đại xá. "Các điều lệnh ân xá có: tăng chức một bậc cho các công thần Lê Lễ, Lê Bị, Lê Triện. Cấp một trăm mẫu quan điền cho bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả (tức Trịnh Khả), Lê Khiêm và Trịnh Khắc Phục, đồng thời cứu giúp những kẻ không vợ, góa chồng, mồ côi, cô đơn và biểu dương những người chồng nghĩa khí, người vợ trinh tiết".

Tháng 3/1454, vua ra thánh chỉ cho xã Đào Xác, huyện Chí Linh, thuộc lộ Nam Sách Thượng rằng: "Vợ góa của Nguyễn Văn Điều là tiết phụ, cho cấp bảng vàng treo ở cổng làng để biểu dương và miễn phu dịch cho 11 người con cháu để phụng dưỡng". Hành động này cho thấy sự quan tâm của vua với dân và sự độ lượng của ông.

Ngoài việc ân xá, trong thời gian làm vua, Lê Nhân Tông đã cho đúc tiền Diên Ninh vào năm 1454, sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt sử ký từ thời Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước vào năm 1455. Ngoài ra, ông còn xuống lệnh khuyến khích nông nghiệp, miễn giảm thuế khóa rất nhiều cho người dân.

Thời gian trị vì ngắn ngủi

Có thể nói Lê Nhân Tông là một trong những vị minh quân hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông là vị vua tài đức vẹn toàn và rất được lòng dân. Tuy nhiên, vị vua nhân đức này lại bị sát hại trong binh biến đoạt ngôi vị năm 1459 khiến bá quan và dân chúng không khỏi xót thương, oán thán.

Lê Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông và bà Dương Thị Bí. Lúc ấy, bà Dương Thị Bí được nhà vua đặc biệt yêu quý nên sinh ra kiêu căng, bởi vậy ai cũng ghét. Nhà vua thấy bà xử sự như vậy cũng không ưa, liền giáng làm Minh nghi (hàng thấp của vợ vua).

Sau sự việc, bà không sửa lỗi lại còn oán hận ra mặt. Vua Lê Thái Tông cho rằng tính khí người mẹ như vậy thì con bà đẻ ra chưa chắc đã là người hiền, bèn giáng bà xuống làm thứ nhân, xuống chiếu ban bố khắp thiên hạ là ngôi thái tử vẫn chưa định. Con bà là Nghi Dân bị truất, xuống làm Lạng Sơn vương.

Khi Bang Cơ nối ngôi, ngôi vị hoàng tộc đến đó kể như định đoạt xong. Nhưng Lê Nghi Dân vẫn ngầm nuôi ý khác, đặc biệt khi có lời đồn Nhân Tông không phải là con đích của vua Lê Thái Tông. Theo Đại Việt thông sử, Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh ruột nên không có ý đề phòng.

Lật đổ Lê Nghi Dân

Lật đổ Lê Nghi Dân

Theo Việt sử giai thoại, Lê Nghi Dân tập hợp hơn một trăm thủ hạ thân tín. Ông còn có nội ứng trong triều là Lê Đắc Ninh, Phạm Đồn, Phạm Ban và Trần Lăng. Đêm 3/10/1459, Lê Nghi Dân quyết định khởi sự thí vua, đang đêm cùng các thủ hạ bắc thang vào tận trong cung cấm hại Nhân Tông.

Bấy giờ, các đại thần như Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Ngang, Lê Thụ... đều căm tức, bí mật bàn chuyện lật đổ Lê Nghi Dân, nhưng chẳng may âm mưu bị lộ.

Ngày 6/6/1460, các bậc đại thần khác là Nguyễn Xí, Lê Lăng, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân cùng nhiều tướng lĩnh và quan lại đồng lòng lật đổ Lê Nghi Dân và tay chân thân tín. Triều thần đón Lê Tư Thành về, lập làm vua Lê Thánh Tông.

Như vậy, ở ngôi chưa được một năm, Lê Nghi Dân đã bị đại thần lật đổ. Sử sách thường không coi ông là vị quân chủ chính thống nhà Hậu Lê.

Sự ra đi bất ngờ của vua Lê Nhân Tông năm 18 tuổi để lại nhiều đau xót, tiếc nuối. Ông là vị minh quân hiếm có của lịch sử đất nước, vừa tài đức vừa được lòng dân, chỉ đáng tiếc là thời gian trị vì thực tế không dài.

Tham khảo:

- Đúng, vị vua lên ngôi khi mới hơn 1 tuổi là Lê Nhân Tông - Báo VnExpress (28/4/2017)

- Lăng mộ vua Lê Nhân Tông ở đâu? - Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia (19/08/2008)

>> Vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam

Ba người Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh chân dung cá nhân

Nữ Trạng nguyên đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-vua-len-ngoi-som-nhat-trong-lich-su-cac-trieu-dai-phong-kien-viet-nam-d119201.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH