Bất động sản

Việc khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua TP. Nam Định ước lãi 400 triệu USD trong 30 năm

Việt Hoàng 11/11/2024 20:30

Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm đoạn tuyến qua TP. Nam Định (12km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỷ USD, các lợi ích thu được ước khoảng 2,06 tỷ USD.

Thông tin từ Báo Chính phủ, liên quan đến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao, hiện vẫn còn một số băn khoăn về hướng tuyến cũng như việc bố trí ga liệu đã tối ưu.

Cụ thể, vào năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng ba phương án hướng tuyến với sự hỗ trợ từ tư vấn quốc tế. Các phương án này được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng và thống nhất với các địa phương liên quan.

Trên cơ sở đó, phương án tuyến đường sắt được lựa chọn đã nhận được sự đồng thuận từ 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đi qua, trên nguyên tắc hướng tuyến thẳng nhất có thể.

Vừa qua, thực hiện ý kiến Hội đồng thẩm định Nhà nước, chủ đầu tư và tư vấn đã phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ hướng tuyến qua địa bàn.

Bộ Giao thông vận tải đã gửi văn bản lấy ý kiến và tổ chức các buổi họp với UBND các tỉnh/thành phố về phương án hướng tuyến. Kết quả cho thấy, 18/20 địa phương đã có văn bản đề nghị giữ nguyên hướng tuyến theo Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Việc khai thác đường sắt tốc độ bao Bắc - Nam qua TP. Nam Định ước lãi 400 triệu USD trong 30 năm
Ảnh minh họa

Riêng hai địa phương là Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đã có đề xuất điều chỉnh.

Cụ thể, tỉnh Quảng Bình kiến nghị điều chỉnh cục bộ một số vị trí theo hướng tuyến năm 2018 và dịch chuyển vị trí ga; trong khi đó, Thừa Thiên - Huế đề xuất điều chỉnh hướng tuyến về phía Đông, khác với hướng tuyến năm 2018 vốn đi về phía Tây.

Đối với kiến nghị của hai địa phương này, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và điều chỉnh để hoàn thiện hồ sơ dự án. Kết quả sau khi rà soát đã giảm chiều dài toàn tuyến từ 1.545 km xuống còn 1.541 km.

Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua TP. Nam Định, Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đơn vị đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

>> Tỷ phú Trần Đình Long: Hòa Phát (HPG) cam kết cung cấp đủ khối lượng thép làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

TP. Nam Định được xem là trung tâm phía Nam của vùng duyên hải Bắc Bộ với quy mô dân số dự kiến đạt 600.000 người vào năm 2040. Khu vực này có sức hút đối với các tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên... nâng tổng dân số vùng lên khoảng 4 triệu người.

Đây là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, theo dự báo đến năm 2050 nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm.

Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm đoạn tuyến qua Nam Định (12km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỷ USD, trong khi các lợi ích thu được ước khoảng 2,06 tỷ USD.

Như vậy, việc khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP. Nam Định mang lại lợi ích ước tính khoảng 400 triệu USD trong vòng 30 năm, so với phương án tuyến đường sắt đi thẳng không qua khu vực này.

Việc khai thác đường sắt tốc độ bao Bắc - Nam qua TP. Nam Định ước lãi 400 triệu USD trong 30 năm
Ảnh minh họa

Về vị trí và số lượng ga, Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh/thành phố được bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng.

Ga được bố trí theo nguyên tắc: Phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; đặt tại khu vực trung tâm kinh tế chính trị các tỉnh, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển.

Cùng đó, các nhà ga đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông quốc gia, giao thông công cộng; Cự ly phù hợp nhằm tạo ra không gian phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất đồng thời đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện (bảo đảm khoảng cách tăng, giảm tốc).

Theo nguyên tắc này, mỗi tỉnh sẽ có một ga hành khách với khoảng cách trung bình 67km/ga; riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận sẽ có hai ga do các địa phương này có quy hoạch phát triển đô thị lớn. Đến nay, vị trí các ga đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã đề xuất một số ga tiềm năng theo quy hoạch, bao gồm các ga Nghi Sơn, Chân Mây, La Gi và Cam Lâm.

Khi địa phương phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Thủ tướng Chính phủ giao địa phương chủ trì thực hiện. Còn trong giai đoạn này nhu cầu vận tải chưa cao, đầu tư có thể dẫn đến khai thác không hiệu quả.

Cũng liên quan đến hướng tuyến, vị trí ga, hiện các quy hoạch địa phương đã thống nhất và tích hợp, dành hành lang quỹ đất để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao.

Riêng quy hoạch Thủ đô Hà Nội, TP. HCM chưa phê duyệt, nhưng phương án hướng tuyến, vị trí ga (tổ hợp ga Ngọc Hồi, ga Thường Tín phía đầu tuyến tại TP. Hà Nội; ga Thủ Thiêm và depot Long Trường tại điểm cuối tuyến tại TP. HCM) đều đã được các thành phố thống nhất, tích hợp vào dự thảo quy hoạch và đã được Bộ Chính trị cơ bản thống nhất.

>> Đấu giá đất tại huyện sẽ là ‘thành phố trong thành phố’ thứ hai của Việt Nam: Có cá nhân trúng liền 10 lô đất

Tỷ phú Trần Đình Long: Hòa Phát (HPG) cam kết cung cấp đủ khối lượng thép làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Mỗi nhà ga hành khách đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra một không gian phát triển mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viec-khai-thac-duong-sat-toc-do-bao-bac-nam-qua-tp-nam-dinh-uoc-lai-400-trieu-usd-trong-30-nam-259473.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việc khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua TP. Nam Định ước lãi 400 triệu USD trong 30 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH