Việt Nam đang sở hữu mật độ trạm sạc xe điện cao hàng đầu thế giới, vượt xa Mỹ
Hạ tầng trạm sạc xe điện Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt.
Từng né tránh đầu tư hạ tầng, TMT Motors nay tuyên bố sẽ xây dựng 30.000 trạm sạc trên toàn quốc – một bước ngoặt chiến lược trong bối cảnh thị trường xe điện Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt về tiện ích và trải nghiệm người dùng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, TMT Motors – đơn vị phân phối xe điện Wuling – đã công bố kế hoạch đầu tư lớn nhất từ trước đến nay: xây dựng tối thiểu 30.000 trạm sạc trong vòng 5 năm tới. Kế hoạch này chia thành hai giai đoạn: giai đoạn đầu tập trung lắp đặt tại các thành phố lớn và dọc theo các tuyến giao thông trọng điểm; giai đoạn hai mở rộng về các tỉnh thành, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hướng tới mục tiêu phủ sóng trạm sạc trên toàn quốc.
>>Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm ‘chợ thịt online’, kỳ vọng bình ổn giá và minh bạch thị trường
Động thái này cho thấy bước ngoặt rõ ràng trong chiến lược kinh doanh của các hãng xe điện muốn chinh phục thị trường Việt Nam.
Tính đến năm 2025, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về mật độ cổng sạc xe điện. Theo thống kê, nước ta hiện có hơn 150.000 cổng sạc công cộng, tương đương khoảng 15 cổng sạc trên mỗi 10.000 dân – chủ yếu do các doanh nghiệp nội địa như VinFast và V-Green phát triển. Con số này vẫn duy trì vị thế cao hơn nhiều quốc gia phát triển. Tại Mỹ, dù hệ thống trạm sạc đã tăng nhanh lên khoảng 216.400 cổng sạc công cộng, nhưng mật độ vẫn chỉ đạt khoảng 6,5 cổng/10.000 dân. Đức và Pháp lần lượt đạt mức 9,2 và 12,5 cổng/10.000 dân, vẫn thấp hơn Việt Nam. Những số liệu này cho thấy hạ tầng trạm sạc đang là một lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam trong cuộc đua thúc đẩy xe điện hóa – không chỉ ở khu vực mà còn trên quy mô toàn cầu.
![]() |
Trạm sạc xe điện của VinFast |
Có thể nói, VinFast đang là hãng xe duy nhất tại Việt Nam đầu tư bài bản vào hạ tầng trạm sạc công cộng. Mạng lưới trạm sạc của VinFast đã phủ sóng 63 tỉnh, thành phố, bao gồm cả các khu vực vùng sâu, vùng xa như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa, giúp người dùng xe điện yên tâm di chuyển trên mọi hành trình. Sự ra đời của Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN bệ phóng hỗ trợ tối đa cho VinFast. một trong những định hướng trọng tâm của công ty này là đồng hành cùng VinFast trong chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế, đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về mật độ trạm sạc xe điện.
Hiện, đơn vị này chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống hơn 150.000 cổng sạc dành cho cả ô tô và xe máy điện. Đơn vị này cũng công bố mức giá sạc tiêu chuẩn là 3.858 VNĐ/kWh, áp dụng tại các trạm công cộng từ ngày 19/03/2024, đồng thời hỗ trợ đa dạng hình thức thanh toán để tối ưu trải nghiệm người dùng.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và mở rộng hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam. Trong đó, Charge+ đặt mục tiêu triển khai 5.000 điểm sạc đến năm 2030 và đã hợp tác với Porsche để xây dựng 17 trạm sạc DC công suất cao trên tuyến hành lang dài 1.700 km tại Việt Nam, nhằm mang đến trải nghiệm sạc nhanh chóng và thuận tiện cho người dùng xe điện. EVG cũng góp mặt với mạng lưới trạm sạc công cộng phủ khắp các địa phương, cung cấp giải pháp sạc nhanh tương thích với nhiều dòng xe và tích hợp công nghệ nhận diện thông minh.
Nhằm chuẩn hóa hệ sinh thái sạc, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành 11 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về trạm sạc xe điện, gồm cả sạc thường, sạc nhanh và hoán đổi pin. Thêm 18 tiêu chuẩn nữa đang trong quá trình xây dựng, bao gồm cả đầu sạc, dây dẫn, đo điện năng… Đây là bước đi quan trọng để đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư và vận hành mạng lưới sạc .
Hạ tầng trạm sạc xe điện Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Dù VinFast vẫn đang chiếm ưu thế nhờ đi trước, các hãng xe ngoại vẫn còn rất nhiều ''đất diễn'' nếu đầu tư nghiêm túc vào hạ tầng, dịch vụ và xây dựng thương hiệu bài bản.