Vietcombank tăng tốc kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng 0 đồng
Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 43.700 tỷ đồng năm 2025, đồng thời lên lộ trình tái cấu trúc và vực dậy ngân hàng 0 đồng VCBNeo.
Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã: VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại Hưng Yên. Đại hội thông qua nhiều nội dung quan trọng, nổi bật là kế hoạch kinh doanh 2025, phương án tăng vốn điều lệ và lộ trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém VCBNeo (tên mới của CBBank).
Năm 2024, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành ngân hàng với tổng tài sản đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 13%; dư nợ tín dụng xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát ở mức 0,96%.
Bước sang năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43.714 tỷ đồng, riêng ngân hàng mẹ đạt 42.734 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm trước. Các chỉ tiêu tăng trưởng khác bao gồm: tổng tài sản tối thiểu 2,3 triệu tỷ đồng (tăng 10%), dư nợ tín dụng tăng 16,28%, huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Vietcombank cũng khẳng định vị thế doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam với hơn 466.200 tỷ đồng, là ngân hàng duy nhất có trên 8 tỷ cổ phiếu niêm yết.
Để phục vụ cho chiến lược tăng trưởng dài hạn, Vietcombank dự kiến phát hành 543,1 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% số lượng cổ phiếu lưu hành, cho tối đa 55 nhà đầu tư chiến lược và chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá đạt 5.431 tỷ đồng.
Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng từ 83.557 tỷ đồng lên khoảng 88.988 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng lên phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại từ năm 2022 và 2023, cùng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, để tiếp tục tăng cường năng lực tài chính.
![]() |
Bước sang năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43.714 tỷ đồng, riêng ngân hàng mẹ đạt 42.734 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm trước. |
>> Tại sao MB chơi nước cờ đôi: Vừa phát hành mới, vừa thu gom cổ phiếu cũ?
Một trong những nội dung được cổ đông đặc biệt quan tâm tại đại hội là kế hoạch tái cấu trúc Ngân hàng Xây dựng (CBBank) – ngân hàng yếu kém Vietcombank tiếp nhận bắt buộc từ Ngân hàng Nhà nước từ tháng 10/2024, hiện đã đổi tên thành VCBNeo.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết ngân hàng đã hoàn tất chuyển đổi hệ thống core banking cho VCBNeo, sử dụng đồng bộ với Vietcombank để đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành. Các hệ thống công nghệ mới, quy trình, quy chế và nhân sự cũng đang được rà soát, nâng cấp theo chuẩn mực Vietcombank.
Về định hướng phát triển, VCBNeo sẽ được xây dựng thành ngân hàng số, vận hành chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại thay vì mạng lưới chi nhánh truyền thống. Chiến lược này nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số toàn ngành.
Ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, Vietcombank đang xây dựng lộ trình phục hồi rõ ràng cho VCBNeo và kỳ vọng sẽ sớm báo cáo cổ đông về tiến độ và kết quả thực hiện.
Đánh giá về tác động của chính sách thuế quan mới tại Mỹ, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng có thể chịu ảnh hưởng đáng kể do chiếm 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại trong nước. Ngân hàng đã chủ động làm việc với khách hàng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và phối hợp với các cơ quan quản lý để đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp theo từng ngành nghề.
Đại hội cũng đã bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023–2028 gồm ông Kohei Matsuoka (Ủy viên điều hành Ngân hàng Mizuho) và bà Hoàng Thanh Nhàn (Tổng Biên tập thuộc Ngân hàng Nhà nước). Đồng thời, ông Trần Sỹ Mạnh được bầu bổ sung vào Ban Kiểm soát thay cho ông Trịnh Ngọc An. Các quyết định nhân sự nhằm củng cố đội ngũ quản trị của Vietcombank cho giai đoạn tăng trưởng mới.
>> Sacombank đã cắt giảm 500 nhân sự trong năm 2024 và sẽ tiếp tục xu hướng này, vì sao?
Vietcombank (VCB) hỗ trợ vay vốn không cần thế chấp đối với nhóm khách hàng sau
Từ 1/7, Vietcombank (VCB) dừng toàn bộ giao dịch thẻ với những khách hàng sau