Vietnam Airlines (HVN) sẽ có 'đặc ân' thứ hai để cổ phiếu ở lại sàn HoSE?

23-12-2023 19:03|Quốc Trung

Vietnam Airlines (Mã HVN) đã tự tạo ra "đặc ân" cho chính cổ phiếu HVN và hơn 40.000 cổ đông hiện hữu suốt 8 tháng qua. Tuy nhiên, hãng bay vẫn cần thêm những "đặc ân" để giúp cổ phiếu HVN ở lại sàn HoSE.

Đầu tháng 12 vừa qua, Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (Mã HVN - HoSE) đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với ghi nhận số liệu chênh đáng kể so với báo cáo tài chính quý IV/2022 (tự lập).

Năm 2022, HVN đạt doanh thu 70.410 tỷ đồng - gấp 2,5 lần năm 2021; lỗ gộp 2.876 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng khiến Vietnam Airlines lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 lỗ 13.279 tỷ).

Tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2022 tăng lên mức 35.072 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 11.055 tỷ. Đáng nói, báo cáo kiểm toán của hàng bay quốc gia cũng được công ty kiếm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục.

9 tháng đầu năm 2023, doanh thu Vietnam Airlines đạt 67.628 tỷ đồng và lỗ sau thuế thêm 3.534 tỷ đồng; lỗ lũy kế tại thời điểm cuối quý III gần 38.000 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 13.951 tỷ.

>> Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bất ngờ đón tin vui cuối năm, cổ đông mừng lo lẫn lộn

Vietnam Airlines (HVN) sẽ có 'đặc ân' thứ hai để cổ phiếu ở lại sàn HoSE?

Vấn đề là...

2022 đã là năm kinh doanh thua lỗ thứ ba liên tiếp của Vietnam Airlines - tương ứng với 3 năm đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không trong nước.

Theo đúng quy định, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN (đáng lẽ) sẽ nhận quyết định hủy niêm yết trên sàn HoSE trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2023 (thời điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm).

Với hành vi chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, cổ phiếu HVN đã bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 12/7 (chỉ được giao dịch trong các phiên chiều).

Đến cuối năm 2023, báo cáo tài chính soát xét năm 2022 của Vietnam Airlines mới được phát đi. Điều này đồng nghĩa cổ phiếu HVN đã có ít nhất 8 tháng được ở lại sàn HoSE. Dù kết phiên 22/12 giá cổ phiếu HVN chỉ còn 11.000 đồng/cp (giảm 21% so với đầu năm) song có thể coi đây là "đặc ân" do chính hãng bay tạo ra dành cho cổ phiếu HVN và cho hơn 40.000 cổ đông hiện hữu.

Sẽ có thêm "đặc ân"?

Mới nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa thông báo quyết định đưa hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12 do đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2023 vào ngày 16/12 (khắc phục nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo).

Mặc dù vậy, thông tin trên là chưa đủ giúp hơn 40.200 cổ đông HVN bớt lo lắng.

Tại ĐHCĐ vừa qua, một số ý kiến đặt câu hỏi về việc "Vietnam Airlines đã thua lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu, liệu cổ phiếu HVN có bị hủy niêm yết?".

Vietnam Airlines (HVN) sẽ có 'đặc ân' thứ hai để cổ phiếu ở lại sàn HoSE?
ĐHCĐ thường niên 2023 của Vietnam Airlines

Trả lời, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết, tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Trước đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và tài chính lành mạnh trên sàn HoSE. Tuy nhiên, đại dịch đã tác động lớn đến kinh tế toàn cầu và hàng không, đây là tình huống rất khách quan.

"Tôi tin tưởng rằng các cơ quan Nhà nước, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá các yếu tố trên một cách khách quan, cẩn trọng. Chúng tôi kỳ vọng rằng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn chứng khoán", ông Hiền nói.

Nếu "lý do đặc biệt" của ông Hiền được HoSE và cơ quan quản lý chấp thuận, "đặc ân" thứ hai sẽ đến với cổ phiếu HVN. Điều này đồng nghĩa Vietnam Airlines sẽ không bị hủy niêm yết cổ phiếu dù thuộc trường hợp bắt buộc (lỗ kiểm toán 3 năm liên tiếp). Đó là chưa kể khả năng tiếp tục báo lỗ trong năm 2023.

Được biết tại Đại hội vừa qua, HĐQT Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu cả năm tăng 28% YoY lên mức 91.810 tỷ đồng; dự kiến lỗ hơn 6.000 tỷ. Trước đó trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023.

Quyết sách cuối cùng sẽ được cơ quan quản lý đưa ra trong thời gian tới. Hủy niêm yết theo quy định là giải pháp đảm bảo công bằng cho khoảng 1.000 doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên 2 sàn HoSE và HNX; một "đặc ân", một "ngoại lệ" hoàn toàn có thể trở thành tiền lệ xấu đối với chính sách quản lý về lâu dài.

>> Vietnam Airlines (HVN) thông tin về kế hoạch chia cổ tức cho 40.200 cổ đông

Vietnam Airlines nói gì trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu?

Vietnam Airlines hy vọng cổ phiếu vẫn trên sàn, lên kế hoạch thoát lỗ từ 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vietnam-airlines-hvn-se-co-dac-an-thu-hai-de-co-phieu-o-lai-san-hose-216772.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vietnam Airlines (HVN) sẽ có 'đặc ân' thứ hai để cổ phiếu ở lại sàn HoSE?
    POWERED BY ONECMS & INTECH