Vinh, đô thị thông minh của Bắc Trung Bộ trong tương lai
Nhìn từ trên cao, thành phố Vinh hiện lên với vẻ đẹp lạ thường khi các công trình xây dựng, đường sá, hồ nước, hệ thống công viên hiện đại, quy hoạch bài bản, hướng tới một đô thị thông minh, đại diện cho khu vực Bắc Trung Bộ.



Nhìn từ trên cao, thành phố Vinh hiện lên với vẻ đẹp lạ thường khi các công trình xây dựng, đường sá, hồ nước, hệ thống công viên hiện đại, quy hoạch bài bản, hướng tới một đô thị thông minh, đại diện cho khu vực Bắc Trung Bộ.

Khi thực hiện sáp nhập các địa phương và tinh gọn bộ máy, Nghệ An sẽ không còn là tỉnh rộng lớn nhất Việt Nam. Vinh - thành phố thủ phủ của tỉnh này với 33 phường xã sẽ được sắp xếp còn 6 phường, trong đó có 5 phường tên gọi đều có chữ 'Vinh'.
Theo đó, sẽ có các phường Trường Vinh, Thành Vinh, Vinh Hưng, Vinh Phú, Vinh Lộc. Phường còn lại là Cửa Lò.
Trên ảnh, toàn cảnh thành phố Vinh những ngày đầu tháng 5/2025.

Nhắc thành phố Vinh không thể không nói đến cây cầu Bến Thủy I và dòng sông Lam nổi tiếng xứ Nghệ xuất hiện trong nhiều câu thơ, bài hát. Đây là cây cầu kết nối phường Bến Thủy (TP Vinh) với thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Cầu được khởi công xây dựng năm 1986 và khánh thành vào năm 1990.

Cầu Bến Thủy I có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1A. Cầu còn là biểu tượng gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người dân xứ Nghệ.

Từ Hà Tĩnh về TP Vinh theo hướng Nam - Bắc, ngay khi qua cầu Bến Thủy, một công trình gây chú ý đối với nhiều người là trạm radar thứ cấp Vinh, cao 20m bao gồm nhà điều hành, trạm nguồn và các công trình phụ trợ, xây dựng trên khu đất rộng 10.000m². Đây là một trong năm trạm radar quan trọng trong hệ thống giám sát không lưu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Điểm nhấn kết nối trung tâm TP Vinh là vòng xuyến Lê Duẩn - Trường Thi - Trần Phú. Vòng xuyến này được trang trí bằng bằng biểu tượng bông sen vàng kết hợp với mặt trời, tạo nên hình ảnh “Sen vàng Phương Đông”.

Đây còn là khu vực có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc, là điểm cuối của tuyến đường từ Cảng Hàng không quốc tế Vinh đến trung tâm thành phố, đi qua các địa danh quan trọng như quảng trường Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan hành chính.

Từ vòng xuyến "Sen vàng" đi theo đường Trường Thi, người dân sẽ gặp quảng trường Hồ Chí Minh, một công trình văn hóa - chính trị mang tầm cỡ quốc gia, tọa lạc tại số 2 đường Vương Thúc Mậu. Quảng trường được khởi công xây dựng vào năm 2000 và khánh thành vào ngày 19/5/2003, nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh Bác Hồ. Tổng diện tích khuôn viên 11ha, bao gồm hơn 30 hạng mục kiến trúc và cảnh quan, tạo nên một quần thể trang nghiêm và hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Quảng trường được thiết kế 99 ô cỏ xanh mướt, tượng trưng cho 99 đỉnh núi Hồng Lĩnh - biểu tượng của xứ Nghệ.

Nằm ở vị trí trung tâm của quảng trường là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được tạc từ đá granite, cao khoảng 18m, thể hiện hình ảnh Bác thân thiện và gần gũi.

Vào mỗi buổi chiều, quảng trường là địa điểm vui chơi, thư giãn, hóng mát lý tưởng của người dân quanh vùng.

Nằm ngay kế bên quảng trường là hồ Goong, được hình thành từ thời Pháp thuộc. Theo thông tin từ tỉnh, hồ này ban đầu được đào để lấy đất phục vụ xây dựng các công trình như nhà máy điện, diêm, gỗ Trường Thi và Bến Thủy. Tên gọi "Goong" bắt nguồn từ những chiếc xe goòng - phương tiện vận chuyển đất đá phổ biến thời bấy giờ. Dần dần, cái tên này trở thành một phần quen thuộc trong ký ức của người dân Vinh.

Cách đó chưa đầy 1km là hồ nước Sỹ Huân (rộng 26ha) nằm trong Công viên trung tâm thành phố Vinh. Hồ từng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi xuất hiện một phiên bản mô phỏng tháp Rùa hồ Gươm, tạo nên điểm nhấn thú vị trong không gian nơi đây. Công trình được khánh thành vào năm 2005 bao gồm hồ trung tâm, khu vui chơi giải trí, cung lễ hội và khu dịch vụ.

Cũng ngay kế bên quảng trường Hồ Chí Minh là trụ sở UBND tỉnh Nghệ An, tọa lạc tại số 3 đường Trường Thi, phường Trường Thi - một vị trí trung tâm, thuận tiện cho việc kết nối với các cơ quan hành chính trong tỉnh. Tòa nhà trụ sở được thiết kế hiện đại, phù hợp với chức năng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và phục vụ người dân.

Nổi bật tại trung tâm Vinh còn có sân vận động Quân khu IV - công trình thể thao gắn liền với lịch sử và hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu IV. Dù không nổi bật về quy mô so với các sân vận động lớn khác, nhưng công trình mang nhiều nét đặc biệt.
Trước đây, sân từng thuộc sở hữu của CLB bóng đá Quân khu IV, một đội bóng bán chuyên nghiệp được thành lập năm 1998 và đã có nhiều thành tích thi đấu đáng kể.

Trường Đại học Vinh tọa lạc tại số 182 đường Lê Duẩn, phường Bến Thủy, tuyến đường tiến vào trung tâm thành phố. Đây là cơ sở giáo dục đa ngành, đa cấp, với hơn 40.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đến từ 54 tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 300 sinh viên quốc tế. Trường đào tạo 62 ngành đại học, 37 chuyên ngành thạc sĩ và 17 chuyên ngành tiến sĩ.
Trong quá trình phát triển, Trường Đại học Vinh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, được xếp hạng trong top 20 các cơ sở đào tạo của Việt Nam theo bảng xếp hạng CSIC và đạt chuẩn 4 sao theo hệ thống đối sánh chất lượng đại học UPM.

Nói đến sự hiện đại của TP Vinh không thể không nhắc đến khu đô thị Vinh Tân được đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, một trong những dự án có quy mô lớn nhất tại thành phố Vinh, tọa lạc tại phường Vinh Tân và phường Trung Đô. Với tổng diện tích 77,18ha, đây là khu đô thị có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư đồng bộ nhất thành phố (bao gồm đường giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện và các dịch vụ công cộng khác).

Từ trung tâm TP Vinh hướng về cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, người dân có thể gặp Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (cách thành phố Vinh khoảng 10km, cách sân bay quốc tế Vinh khoảng 5km).
Khu công nghiệp hiện thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, điện tử, may mặc, thực phẩm và logistics.

Đến tháng 3/2025, VSIP 1 đã thu hút 55 dự án đầu tư (51 nhà đầu tư), diện tích đất cho thuê là 251,8ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 97%, tổng vốn đầu tư 49.145,6 tỷ đồng (tương đương 2.063,6 triệu USD). Trong đó, 34 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho khoảng 23.000 lao động.

Tháng 7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Vinh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 sẽ là đô thị thông minh phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại. Dù sau sắp xếp, thành phố thay đổi thành 6 phường, nơi đây vẫn là một trong những động lực phát triển, cực tăng trưởng quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ.
>> Thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam chính thức 'lột xác'
Bầu nhân sự chủ chốt thành phố Vinh sau sáp nhập
Thành phố Vinh mở rộng, tổ hợp căn hộ cao cấp Pearl Residence tại Cửa Lò được săn đón