VN-Index đi ngang quanh 1.200 điểm suốt 18 năm, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn lãi lớn
VN-Index gần như đi ngang suốt 18 năm, nhưng nhiều cổ phiếu khối ngoại yêu thích lại tăng gấp 4–5 lần, mang về lợi nhuận vượt cả S&P 500.
Tăng trưởng lợi nhuận 2025 dự báo khả quan, nhưng phân hóa theo ngành
Tại sự kiện Vietnam Forecast Dinner 2025, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings – đã đưa ra loạt nhận định đáng chú ý về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, bức tranh phân hóa tài chính giữa các ngành, và đặc biệt là quan điểm về khả năng sinh lời thực tế của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN).
Theo dữ liệu từ FiinGroup, giới phân tích dự báo lợi nhuận ròng toàn thị trường năm 2025 sẽ tăng trung bình 18%, trong khi chỉ tiêu do lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra là khoảng 10%.
Trong đó, ba ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao nhất là: bán lẻ (+29%), tài nguyên cơ bản (+28%) và y tế (+26%). Ngược lại, ba nhóm ngành được đánh giá kém khả quan nhất là: du lịch & giải trí (-64%), hàng & dịch vụ công nghiệp (-20%) và hóa chất (-16%).
Không chỉ khác biệt về triển vọng lợi nhuận, bức tranh tài chính giữa các ngành cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Các ngành như kho bãi & cảng biển, bất động sản khu công nghiệp có cấu trúc vốn lành mạnh và dư địa tốt để mở rộng tín dụng. Trong khi đó, nhiều ngành khác như bất động sản dân cư, xây dựng, năng lượng và thép lại đang gặp khó trong việc tái cấp vốn, đối mặt với rủi ro thanh khoản lớn hơn.
![]() |
Nguồn: FiinGroup |
VN-Index quanh quẩn vùng 1.200 điểm – nhà đầu tư nước ngoài vẫn lãi?
Một điểm gây chú ý tại sự kiện là băn khoăn của nhà đầu tư nước ngoài về hiệu quả đầu tư tại Việt Nam: “Tại sao VN-Index vẫn chỉ dao động quanh 1.200 điểm suốt gần 20 năm, trong khi chỉ số S&P 500 đã tăng gấp gần 4 lần trong cùng giai đoạn?”.
Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng việc lấy VN-Index – một chỉ số toàn thị trường (all-share index) – làm đại diện cho hiệu suất đầu tư là chưa hoàn toàn phản ánh đúng bản chất. VN-Index bao gồm cả nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ, siêu nhỏ và kém thanh khoản, nên mức tăng trưởng của chỉ số này không nói lên toàn bộ câu chuyện.
Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy, nếu chỉ xét các cổ phiếu mà khối ngoại yêu thích – tức có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15% và vốn hóa trên 50 triệu USD – thì mức tăng thực tế là rất ấn tượng.
Nhóm cổ phiếu này đạt mức tăng tương đương với chỉ số giả định ở ngưỡng 2.255 điểm. Nhiều mã cổ phiếu tiêu biểu như FPT, VNM, MWG, PNJ, REE, VHM đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm và gần 5 lần trong 18 năm qua.
Do đó, ông Thuân khẳng định nếu nhìn dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể thu được lợi nhuận tốt tại Việt Nam – thậm chí không kém cạnh so với chỉ số S&P 500 hay Dow Jones trong cùng thời kỳ.
Hiện nay, dù khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng trên TTCKVN, nhưng theo FiinGroup, các cổ phiếu được khối này ưa chuộng đang ở mức định giá hấp dẫn với P/E chỉ còn khoảng 12 lần – thấp hơn đáng kể so với trung bình lịch sử. Trong bối cảnh thị trường chờ đợi các yếu tố thúc đẩy mới như nâng hạng thị trường, IPO doanh nghiệp lớn, hoặc thoái vốn nhà nước, FiinGroup cho rằng TTCKVN hoàn toàn có thể thu hút một làn sóng nhà đầu tư ngoại mới quay lại trong tương lai gần.
>> Khối ngoại xả hơn 70 triệu cổ phiếu một ngân hàng VN30 sau cú sốc thuế quan Mỹ
Khối ngoại xả hơn 70 triệu cổ phiếu một ngân hàng VN30 sau cú sốc thuế quan Mỹ
Khối ngoại âm thầm 'gom' cổ phiếu MWG giữa lúc thị giá rơi tự do