Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển vòi rồng “thông minh”, được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép bắn chính xác với sai số chỉ khoảng 2 mét trong điều kiện khắc nghiệt.
Vũ khí không sát thương này được Bắc Kinh coi là yếu tố quan trọng để biên chế cho các tàu hải cảnh. Một số nhà nghiên cứu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc nhận định, vòi rồng AI sẽ là xu thế mới trong thời gian tới.
Sai số 2 mét trong điều kiện biển động
Vòi rồng, còn gọi là pháo nước, chỉ các thiết bị sử dụng máy bơm nước áp suất cao để tạo ra tia nước mạnh với tốc độ cao. Một khẩu pháo nước công suất lớn có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 100 mét, với áp suất hơn 1,2 megapascal. Để dễ hình dùng, một người đàn ông trưởng thành khi đối diện với tia nước này cũng tương đương như việc bị một con voi châu Phi giẫm lên người (lực tác động gần 9 tấn).
Tuy nhiên, trên thực địa, độ chính xác của những loại vũ khí này vẫn chưa đạt được kỳ vọng khi thường trật mục tiêu khi biển động. Các điều kiện trên biển tạo ra các mô hình gió và môi trường chất lỏng môi trường phức tạp cũng như các lỗi truyền động cơ học, do đó, có thể khó khóa mục tiêu và đánh vào một điểm chính xác trên một con tàu ở xa trong điều kiện tàu lắc lư do sóng.
Để giải quyết vấn đề trên, Viện nghiên cứu thiết bị động cơ điện hàng hải Vũ Hán, đã tích hợp công nghệ AI, tạo ra khả năng tự động xác định mục tiêu và điều chỉnh công suất cũng như quỹ đạo phản lực dựa trên phản hồi thời gian thực từ camera quang điện. Không chỉ vậy, cảm biến chuyển động tích hợp trên pháo nước còn thu thập trạng thái xoay của tàu để thay đổi thông số đạn đạo.
Bằng cách sử dụng lý luận nghịch đảo dựa trên sự thay đổi của môi trường cũng như khả năng tự học, AI đã chứng minh khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên thực địa.
Trong các thử nghiệm thực tế, pháo nước thông minh có thể bắn trúng mục tiêu trên mặt nước với sai số chỉ 2 mét trong điều kiện biển động (sóng cao 4 mét và gió lớn). Các chuyên gia đánh giá, kết quả này cải thiện từ 33 đến 54% so với vòi rồng tự động truyền thống.
Vũ khí “phi sát thương” trên tàu chiến
Pháo nước xoay đầu tiên trên thế giới được phát minh bởi kỹ sư người Mỹ Antonio Marchese vào năm 1944, và pháo nước dẫn động bằng động cơ điện cũng lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào những năm 1950. Kể từ đó, công nghệ này ít nhiều vẫn giữ nguyên do phạm vi ứng dụng hạn chế.
Trong khi đó, thời gian gần đây Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào công nghệ vòi rồng, phát triển loạt sản phẩm tự động hoá và mạnh mẽ để sử dụng trong các cuộc đụng độ quy mô hạn chế trên Biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á.
Năm 2022, Trung Quốc chính thức đưa pháo nước có tầm bắn vượt quá 100 mét vào danh mục kiểm soát xuất khẩu, củng cố vị thế thống trị trong việc sử dụng loại vũ khí này.
Zhang Yuqiang, nhà nghiên cứu thuộc Ban Chỉ huy Học viện Cảnh sát Vũ trang Hàng hải, cho biết các loại vũ khí không gây chết người trên tàu, thuyền như vòi rồng “sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc xung đột trên biển trong tương lai”.
“Vũ khí phi sát thương không trực tiếp gây ra cái chết cho con người, mà chỉ tước đi khả năng chiến đấu của nhân lực hoặc trang thiết bị bên kia, từ đó đạt được mục tiêu ‘khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu’”, chuyên gia này nói.
Giới quân sự Trung Quốc nhận định các quốc gia hàng hải lớn khác hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các loại vũ khí không gây chết người khác, chẳng hạn như tia laser làm chói mắt và vi sóng có thể gây bỏng da. Ngoài ra, vũ khí hạ âm cũng đang được quan tâm đặc biệt, khi “có thể gây chóng mặt, buồn nôn, khó thở và thậm chí là rối loạn thần kinh”.
“Vũ khí hạ âm có đặc điểm xuyên thấu mạnh, tốc độ lan truyền nhanh, khả năng che giấu tốt và tầm bắn xa. Ngoài việc tấn công các tàu trên mặt đại dương, chúng còn là mối đe dọa đáng kể đối với các tàu ngầm ở vùng biển sâu và sẽ đóng vai trò thiết yếu trong các trận hải chiến trong tương lai”.