Tính đến ngày 31/1/2024, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó, ghi nhận 12 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), tính đến ngày 31/1/2024, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống đạt 1.003.601 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với thời điểm cuối năm 2023.
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 217.882 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2023; nhóm NHTM cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 543.191 tỷ đồng, tăng 0,12% so với tháng 12/2023; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài, có tổng vốn điều lệ đạt 163.165 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính, ngân hàng Hợp tác xã có vốn điều lệ không thay đổi so với cuối năm 2023, lần lượt đạt 45.321 tỷ đồng và 3.030 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ là 7.052 tỷ đồng, tăng 0,98% so với cuối năm 2023...
Tổng vốn điều lệ toán hệ thống tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023 (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước) |
10 ngân hàng niêm yết "lập công" lớn nhất
10 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống (Nguồn: BCTC ngân hàng) |
10 ngân hàng niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất đều đã vượt 1 tỷ USD, đóng góp lớn vào quy mô vốn điều lệ toàn hệ thống TCTD, bao gồm: VPBank (79.339 tỷ đồng), BIDV (57.004 tỷ đồng), Vietcombank (55.891 tỷ đồng), VietinBank (53.700 tỷ đồng), MBBank (52.141 tỷ đồng), ACB (38.840 tỷ đồng), SHB (36.194 tỷ đồng), Techcombank (35.225 tỷ đồng), HDBank (29.076 tỷ đồng), LPBank (25.576 tỷ đồng).
Ngoài 10 ngân hàng trên, VIB (25.368 tỷ đồng) và SeABank (24.537 tỷ đồng) cũng thuộc "câu lạc bộ" vốn điều lệ tỷ USD. Nếu tính cả "ông lớn" Agribank, số lượng ngân hàng có vốn điều lệ trên 1 tỷ USD sẽ là 13.
Trong Top 10, LPBank có tốc độ tăng vốn điều lệ mạnh nhất trong năm qua. Cụ thể, theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, ngân hàng đã thực hiện thành công 2 đợt tăng vốn điều lệ, đưa tổng mức điều lệ lên gần 48% trong năm 2023, lên 25.576 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng đã phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu và chào bán thêm 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Kế hoạch tăng vốn năm 2024 - câu chuyện không thể thiếu trong mùa ĐHĐCĐ
ĐHĐCĐ Nam Á Bank đã thống nhất việc tăng vốn điều lệ lên 13.725 tỷ đồng |
Nhiều ngân hàng sẽ trình kế hoạch tăng vốn trong ĐHĐCĐ sắp tới đây. Điển hình như LPBank trình kế hoạch tăng vốn tối đa 8.000 tỷ đồng thông qua chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Sau khi hoàn tất chào bán, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng.
HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Hay OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng trong năm 2024, chủ yếu thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Nếu thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng.
Hay tại ĐHĐCĐ sáng ngày 29/3 của Nam Á Bank, Đại hội đã thống nhất việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, từ mức 10.580 tỷ đồng lên mức 13.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn và phát hành cổ phiếu ESOP.
Việc tăng vốn điều lệ năm 2024 nhằm thực hiện định hướng chiến lược phát triển Nam A Bank đến năm 2025, tầm nhìn 2030; nâng cao năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro.
Áp lực thanh khoản cuối năm, lãi suất huy động liệu có phá đỉnh của tháng 11?
VN-Index ‘dậm chân’ quanh mốc 1.270 điểm, một cổ phiếu VN30 ngược dòng áp sát đỉnh lịch sử