Vốn hóa Sabeco (SAB) 'bốc hơi' hơn 2.800 tỷ đồng sau đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp ngành này vốn đang gặp áp lực từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP và xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân từ sau đại dịch Covid-19.
Cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) gặp áp lực bán mạnh trong ngày giao dịch 14/6. Cổ phiếu này giảm giá ngay từ đầu phiên sáng với khối lượng lớn và kết phiên tại 63.400 đồng/cp (giảm 3,35%). Khối lượng khớp lệnh đạt 3.852.700 cổ phiếu, cao gấp hơn 2 lần thanh khoản trung bình 20 phiên. Giá trị giao dịch đạt 244,5 tỷ đồng.
Từ đó, vốn hóa của Sabeco giảm hơn 2.800 tỷ đồng về mức 80.930 tỷ đồng. Cổ phiếu SAB cũng đã có 4 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó kể từ vùng giá 69.000 đồng/cp ngày 7/6.
Trước đó, vào ngày 13/6, Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng rượu, bia. Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định thuế suất thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên 65%, rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%.
Qua nghiên cứu sức mua và phản hồi, đánh giá của các tổ chức quốc tế và các bộ ban ngành, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết tăng mức thuế suất thuế TTĐB theo phương pháp tính thuế tỷ lệ đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình như bảng dưới đây.
Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án áp thuế TTĐB với mặt hàng rượu, bia |
Theo lộ trình, năm 2026, thuế TTĐB với các mặt hàng: rượu dưới 20 độ là 40% - 50%; rượu trên 20 độ và bia là 70% - 80%. Đến năm 2030, thuế TTĐB với rượu dưới 20 độ là 60% - 70%, rượu trên 20 độ và bia là 90% - 100%.
Trước đó, khi có thông tin Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe bao gồm rượu, bia trong dự thảo mới nhất về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định rằng tăng thuế sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có đủ thời gian để chuẩn bị và lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, do đó không nên nóng vội, rút ngắn hay bỏ qua các yêu cầu, quy trình cần thiết khi sửa đổi bổ sung một luật thuế quan trọng như vậy.
Hiện nay, nhóm doanh nghiệp bia, rượu còn đang bị ảnh hưởng từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong khí thở và xu hướng thắt chặt chi tiêu kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này giảm sút.
Chủ tịch UBCKNN: Nửa đầu năm 2024, TTCK Việt Nam vẫn hoạt động ổn định, an toàn, minh bạch
PV Power (POW) giải quyết xong 'nút thắt' lớn cuối cùng của dự án Nhơn Trạch 3 và 4