VPBank mới đây đã ra mắt sản phẩm tiết kiệm Prime Savings, nhân đôi lãi suất ngay trong tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiết kiệm online, với số tiền gửi mới chỉ từ 10 triệu đồng.
Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã liên tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm, tăng mạnh so với trước nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác trong giai đoạn cuối năm.
Mới đây, VPBank đã ra mắt sản phẩm tiết kiệm Prime Savings, nhân đôi lãi suất ngay trong tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiết kiệm online, với số tiền gửi mới chỉ từ 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Cụ thể, khi gửi số tiền tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu ưu đãi 9,4%/năm, từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6 là 4,7%/năm. Như vậy, tính trung bình, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tới 5,48%/năm trong 6 tháng, mức lãi suất này còn cao hơn cả lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng.
Khi gửi số tiền lớn từ 300 triệu trở lên, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất thông thường là 4,9%/năm, riêng tháng đầu tiên là 9,8%/năm, tương đương bình quân 5,71%/năm.
Số tiền gửi từ 10 tỷ trở lên, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu là 10%/năm, 5 tháng còn lại là 5%/năm, tương đương bình quân 5,83%/năm.
Số tiền gửi từ 50 tỷ trở lên, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu là 10,4%/năm, 5 tháng còn lại là 5,2%/năm, tương đương bình quân 6,06%/năm.
Như vậy, với chính sách này, khi gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng, khách hàng VPBank được cộng thêm khoảng 0,8%/năm so với trước đây.
Không chỉ VPBank mà thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm để hút vốn phục vụ mùa kinh doanh cao điểm.
Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank, với mức 7,4%/năm cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 12 tháng cũng là Nam A Bank với mức 7,2%/năm.
Xếp thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng cao nhất là SCB với mức lãi suất 7,15%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
VietBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm online thêm 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn, hiện lãi suất cao nhất ở nhà băng này là 6,9%/năm, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Trước đó, GPBank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ ngày 8/12/2021 ghi nhận mức tăng đồng loạt 0,3% so với tháng 11 ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Techcombank cũng công bố biểu lãi suất huy động vốn khách hàng cá nhân mới nhất áp dụng từ ngày 15/12 tăng 0,25 - 0,4% so với tháng trước ở tất cả kỳ hạn.
Lãi suất tiền gửi đang tăng dần về cuối năm và theo nhận định của giới phân tích, điều này hoàn toàn phù hợp. Bởi nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế. Do đó, việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài khiến tiền gửi tiết kiệm sụt giảm mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến ngày 22/12 đạt 12,68% so với cuối năm 2020, trước đó tính đến 25/11 là 10,1% và 29/10 là 8,72%. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi 10 tháng đầu năm chỉ đạt 5,2%, trong đó tiền gửi dân cư sụt giảm trong quý 3/2021. Người dân kém "mặn mà" với gửi tiết kiệm một phần do tác động của dịch COVID-19 trong quý III, một phần vì các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản có khả năng sinh lời hấp dẫn. Số lượng cá nhân mở mới tài khoản chứng khoán năm nay cũng đã tăng kỷ lục.
Để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, qua đó bơm thêm tiền đồng vào hệ thống trong những tháng cuối năm 2021. Trong tháng 12, thanh khoản hệ thống được phần nào hỗ trợ thông qua việc Kho bạc Nhà nước mua ngoại tệ với tổng giá trị 900 triệu USD, tương đương với việc bơm ra thị trường 20,4 nghìn tỷ đồng.