Ai đã kiểm toán và phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande, để xảy ra bê bối gian lận lớn nhất lịch sử Trung Quốc?

20-03-2024 10:50|Phương Nhi

Vụ việc cũng làm nổi lên lo ngại về các vấn đề kiểm toán nói chung của Trung Quốc, đúng lúc Chủ tịch mới của CSRC đang cố gắng thắt chặt kiểm soát.

Theo Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), nhà phát triển bất động sản Evergrande đã thổi phồng doanh thu thêm 78 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2020.

Các nhà chức trách cáo buộc công ty bất động sản chủ lực Hengda của Evergrande nâng doanh thu năm 2019 thêm 214 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 29,7 tỷ USD) bằng cách ghi nhận trước doanh số bán hàng. Năm 2020, Hengda tiếp tục khai khống doanh thu thêm 350 tỷ nhân dân tệ.

Các con số khai khống tương đương 50% doanh thu của Hengda năm 2019 và 79% năm 2020. Hengda bị phạt 4,18 tỷ nhân dân tệ (khoảng 581 triệu USD).

Theo tờ Bloomberg, vụ việc của Evergrande thuộc nhóm những trường hợp gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử thế giới, nghiêm trọng hơn cả bê bối của Luckin Coffee và Enron. Uy tín của của công ty từng kiểm toán cho nhà phát triển bất động sản này bị ảnh hưởng trầm trọng.

Ai đã kiểm toán và phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande, để xảy ra bê bối gian lận lớn nhất lịch sử Trung Quốc?
Theo Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), nhà phát triển bất động sản Evergrande đã thổi phồng doanh thu thêm 78 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2020

Vụ việc cũng làm nổi lên lo ngại về các vấn đề kiểm toán nói chung của Trung Quốc, đúng lúc Chủ tịch mới của CSRC đang cố gắng thắt chặt kiểm soát.

Những chiêu trò của Evergrande

Evergrande từng là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Tháng 1/2024, tập đoàn bị tòa án Hong Kong ra lệnh thanh lý, đánh dấu vụ sụp đổ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài ba năm ở Trung Quốc.

Ông Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch Evergrande, bị cảnh sát bắt do “nghi ngờ phạm pháp” vào năm ngoái. Chưa có tin tức nào cho thấy ông bị cáo buộc phạm tội hình sự nhưng động thái của CSRC có thể sẽ dẫn đến các cáo buộc nặng nề hơn đối với nhà sáng lập Evergrande.

CSRC cáo buộc ông Hứa là người chỉ đạo những nhân sự khác thổi phồng kết quả kinh doanh hàng năm. Và với vai trò là người lãnh đạo, ông Hứa đã sử dụng các phương thức “đặc biệt nghiêm trọng”.

Evergrande từng ghi nhận doanh thu từ cả những căn hộ được bán trước nhưng chưa bàn giao cho khách. Tập đoàn cho biết họ đã đổi cách tiếp cận kể từ năm 2021, chỉ ghi nhận doanh thu sau khi các căn hộ đã được hoàn thành hoặc chủ sở hữu đến ở.

Công ty kiểm toán của Hengda năm 2019 và 2020 là PricewaterhouseCoopers Zhong Tian, công ty đại lục liên kết với mạng lưới của PwC. PwC từ chối làm kiểm toán cho Evergrande vào tháng 1/2023 do các bất đồng về kiểm toán.

PwC cũng từ bỏ công việc kiểm toán cho những nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác bao gồm Sunac China và Shimao Group. Năm 2022, Hội đồng Báo cáo Tài chính của Hong Kong cho biết họ đang xem xét các văn bản tài chính năm 2020 của Evergrande và mở rộng cuộc điều tra vào một cuộc kiểm toán do PwC thực hiện.

Ai đã kiểm toán và phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande, để xảy ra bê bối gian lận lớn nhất lịch sử Trung Quốc?
Công ty kiểm toán của Hengda năm 2019 và 2020 là PricewaterhouseCoopers Zhong Tian, công ty đại lục liên kết với mạng lưới của PwC

Ông Joel A. Gallo, giáo sư tại Đại học New York ở Thượng Hải, cho hay: “Rất nhiều nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn tài chính. Do đó, câu hỏi quan trọng là ngoài Evergrande, doanh nghiệp nào đã dùng mánh khóe kế toán để tiếp tục câu giờ?"

Không phải lần đầu

Trong thực tế, Evergrande đã từng bị cáo buộc gian lận kế toán không chỉ một lần.

Vào tháng 6/2012, công ty tìm kiếm cơ hội bán khống Citron Research công bố một nghiên cứu để cáo buộc Evergrande gian lận kế toán. Theo công ty này, Evergrande đã phóng đại giá trị tiền mặt, thổi phồng danh mục đầu tư bất động sản, giá trị dự án và che giấu các khoản nợ. Họ còn cho rằng vốn chủ sở hữu của Evergrande đã âm.

Tuy nhiên, khi đưa sự việc ra tòa án Hồng Kông, chính quyền đã đứng về phía Evergrande, cho rằng Citron tung tin giả để trục lợi. Kết quả, Citron bị cấm giao dịch 5 năm trên thị trường Hồng Kông.

Trong một trường hợp khác, GMT Research cũng nhiều lần đưa ra cáo buộc tương tự với Evergrande. Họ đã công bố rất nhiều báo cáo liên quan tới sự gian lận của Evergrande từ năm 2016.

Trong báo cáo đầu tiên về Evergrande công bố vào năm 2016, họ cho rằng các kiểm toán viên đã "ngủ quên" khi kiểm toán Evergrande.

GMT Research cho biết đã đi thực địa tới các dự án của Evergrande và nhận thấy các công trình đang bị bỏ hoang và không ai ở. Tại thời điểm đó, GMT Research nhận thấy nhiều dự án của Evergrande chưa bán được và bị xuống cấp, vì vậy phải được trích lập dự phòng và ghi nhận giảm giá trị tài sản. Tuy nhiên, Evergrande không làm thế.

Công ty này đánh giá Evergrande lẽ ra phải điều chỉnh giảm 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 23 tỷ USD). "Con số điều chỉnh đủ để xóa sạch 3 lần vốn chủ sở hữu. Evergrande đã mất khả năng thanh toán", họ kết luận trong báo cáo.

Chưa ngừng lại ở đó, cứ mỗi năm GMT Research lại ra một báo cáo mới chỉ rõ về gian lận của Evergrande. Gần đây nhất, trong báo cáo công bố vào tháng 12/2023, GMT Research cáo buộc Evergrande "đã thổi phồng doanh thu và lợi nhuận trong nhiều năm liên tiếp", đồng thời cho rằng "công ty này chưa bao giờ có lãi".

Họ cáo buộc Evergrande đã thay đổi cách ghi nhận doanh thu từ bán bất động sản và điều này ảnh hưởng đáng kể tới doanh thu và lợi nhuận công ty.

Nỗ lực điều tiết tài chính

Một số nhà đầu tư hoan nghênh động thái của CSRC, coi đó là bước đi tích cực trong nỗ lực điều tiết tài chính. Ông Yu Yingdong, Giám đốc của Shenzhen Cowin Asset Management, bình luận: “Đây là điều tốt”. Ông dự đoán các nhà quản lý sẽ “tiếp tục duy trì áp lực trong tương lai”.

Giáo sư Gallo cũng có chung ý kiến. Ông bày tỏ quan điểm: “Để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư trong một lĩnh vực đang suy sụp và kéo thị trường chứng khoán đi xuống, các nhà quản lý phải thể hiện được tính minh bạch”.

Thước đo các cổ phiếu bất động sản Trung Quốc của Bloomberg đã giảm 19% trong năm 2024. Doanh số và giá bất động sản tiếp tục đi xuống trong tháng 2/2024, bất chấp các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Hứa Gia Ấn từng là người giàu thứ hai châu Á, với tài sản ròng đạt đỉnh 42 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên sau khi Evergrande vỡ nợ năm 2021, tài sản của ông lao dốc còn khoảng 1 tỷ USD. Giá cổ phiếu Evergrande trượt dốc không phanh và cuối cùng bị đình chỉ giao dịch.

Ông Hứa bị phạt 47 triệu nhân dân tệ vì cáo buộc làm sai lệch kết quả tài chính và những vi phạm khác. Đồng thời, ông bị cấm tham gia các hoạt động trong thị trường vốn suốt đời.

>> Chỉ đạo nhân viên thổi phồng 1,9 triệu tỷ đồng, tỷ phú bất động sản nổi tiếng lâm cảnh đường cùng, bị cấm vĩnh viễn khỏi TTCK

Không phải Evergrande hay Country Garden, đây mới là ông lớn bất động sản có thể đẩy Trung Quốc đến 'vách đá'

'Bom nợ' Evergrande sụp đổ: Liệu có phải 'khoảnh khắc Lehman' của Trung Quốc đã đến?

'Bom nợ' Evergrande chính thức sụp đổ, khoản nợ hơn 300 tỷ USD khó có thể thu hồi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ai-da-kiem-toan-va-phot-lo-lo-hong-78-ty-usd-cua-bom-no-evergrande-de-xay-ra-be-boi-gian-lan-lon-nhat-lich-su-trung-quoc-227048.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ai đã kiểm toán và phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande, để xảy ra bê bối gian lận lớn nhất lịch sử Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS & INTECH