Vụ Trịnh Văn Quyết: Một bị cáo chối tội, muốn ‘xin lại’ tiền khắc phục hậu quả
Trong giai đoạn truy tố, bị can này đã thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Ngày 24/7, phiên tòa xét xử vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã bước sang ngày làm việc thứ 3.
Đáng chú ý, bị cáo Lê Văn Tuấn, Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội), đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc theo cáo trạng của mình.
Ông Tuấn cho rằng tại CPA Hà Nội, ông chỉ là người đóng vai trò tìm kiếm khách hàng. Thậm chí ông cho biết mình còn không được tham gia vào các cuộc họp, không ký tên vào các báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần giúp Công ty Faros hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết.
Bị cáo Lê Văn Tuấn (áo vàng) trình bày trước Toà |
Nguyên văn màn xét hỏi như sau:
Hội đồng xét xử hỏi: "Vợ bị cáo đã có đơn và biên lai về việc khắc phục hậu quả số tiền 20 triệu đồng. Đây là ý muốn của bị cáo hay vợ bị cáo tự nộp?".
Ông Tuấn bác bỏ: "Nếu nộp khắc phục hậu quả thì có thể hiểu là bị cáo có tội. Nhưng ở đây bị cáo thấy mình không có tội. Số tiền 20 triệu đó là được hưởng (20%) từ 100 triệu đồng mà CPA thu được từ hợp đồng kiểm toán với Công ty Faros. Do đó, bị cáo mới nộp lại số tiền đó".
Hội đồng xét xử hỏi tiếp: "Số tiền 100 triệu đã được CPA nộp đủ. Vậy bị cáo muốn nhận lại không?".
Ông Tuấn đáp: "Bị cáo xin được nhận lại".
Tuy nhiên theo Hội đồng xét xử, việc bị cáo có thừa nhận tội danh hay không không phải là yếu tố quyết định và đây chỉ là quan điểm riêng của bị cáo. Quan trọng là cơ quan tố tụng sẽ có nhiều chứng cứ để chứng minh hành vi của bị cáo.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc CPA Hà Nội khai rằng, đối với BCTC của Faros, CPA Hà Nội lập nhóm kiểm toán gồm 5-6 người, tiến hành theo sự phân công của ông Lê Văn Dò, Phó giám đốc Công ty.
Ngoài ra sau khi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Tỉnh có triệu tập cuộc họp của nhóm kiểm toán với sự tham gia của ông Lê Văn Dò, sau đó, bị cáo Tuấn được bổ sung Tuấn vào nhóm kiểm toán.
Hơn nữa bị cáo Tỉnh còn khẳng định, việc ông Tuấn ký vào báo cáo là tự nguyện, không bị ai gây sức ép cả.
Bên cạnh đó trong quá trình điều tra, bà Trần Thị Ninh, nguyên là cựu nhân viên của Công ty CPA Hà Nội và từng tham gia vào giai đoạn đầu của quá trình kiểm toán báo cáo tài chính Công ty Faros, đến toà với tư cách người làm chứng.
Theo bà Ninh, sau khi Ủy ban Chứng khoán yêu cầu kiểm toán bổ sung thì bà Ninh nghỉ việc nên không tham gia.
Bà không nắm rõ danh sách cụ thể những ai tham gia kiểm toán, tuy nhiên, bà có nghe thông tin không chính thức rằng ông Lê Văn Tuấn đã đảm nhận công việc này. Ngoài ra, bà Ninh cũng tiết lộ rằng bà đã có những trao đổi điện thoại với ông Tuấn, trong đó bà đã đưa ra một số lưu ý liên quan đến báo cáo tài chính của Công ty Faros.
Bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát đã chỉ rõ hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Lê Văn Tuấn và Nguyễn Ngọc Tỉnh. Cụ thể, hai bị cáo này đã cùng nhau ký 3 báo cáo tài chính kiểm toán không đúng sự thật, nhằm giúp Trịnh Văn Quyết đưa cổ phiếu ROS của Công ty Faros lên sàn giao dịch, bán cổ phiếu và chiếm đoạt số tiền hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Trong vụ án này, Tuấn và Tỉnh được xác định là đồng phạm giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong suốt giai đoạn điều tra, kết luận điều tra vụ án, bị can Lê Văn Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu là phù hợp với kết quả điều tra, diễn biến vụ án.
Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị can đã thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận đã thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Faros và không thừa nhận ký báo cáo kiểm toán. Tuy vậy, bị cáo Tuấn lại không cung cấp được bằng chứng chứng minh cho lời khai của mình là đúng sự thật.
Theo cáo trạng, lời khai của Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Thiện Phú, Trần Thị Ninh (Kiểm toán viên CPA Hà Nội) và tài liệu, chứng cứ vụ án đều phù hợp với nhau. Điều này cho thấy bị cáo Lê Văn Tuấn là Kiểm toán viên được phân công thực hiện kiểm toán BCTC cho Công ty Faros và đã trực tiếp ký vào các báo cáo kiểm toán nêu trên. Vì vậy, lời khai phủ nhận tội lỗi của Lê Văn Tuấn là vô căn cứ.
>>Tập đoàn FLC bị cưỡng chế 822 tỷ đồng tiền thuế trong lúc cựu Chủ tịch hầu tòa
Phát hiện 1.600 sản phẩm vàng các loại không nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu tại TP. HCM
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khai về khối tài sản của mình