Vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB đã từng khiến rất nhiều khách hàng gửi tiền tại đây lo lắng, xếp hàng dài chờ rút tiền.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác. Cơ quan điều tra cáo buộc bà Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB.
Báo cáo kết luận điều tra ghi nhận thực trạng của ngân hàng SCB tại thời điểm khởi tố vụ án ngày 17/10/2022 theo 2 hình thức: trên hệ thống sổ sách kế toán và thực tế.
Số liệu ghi nhận đến thời điểm khởi tố, số tiền khách hàng gửi tại SCB đang là con số khổng lồ 511.262 tỷ đồng theo số liệu trên sổ sách. Cụ thể:
Trên hệ thống sổ sách kế toán ghi nhận
Tổng số tiền SCB huy động từ người dân và vay các tổ chức khác: 673.586 tỷ đồng (trong đó có 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng; 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá; 66.060 tỷ đồng vay ngân hàng Nhà nước; 12.693 tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức khác và 6.756 tỷ đồng vay từ các tổ chức tín dụng khác).
Vốn chủ sở hữu của SCB đạt 21.036 tỷ đồng, bao gồm vốn của Ngân hàng, các quỹ trích lập quy định, chênh lệch tỷ giá và lợi nhuận chưa phân phối.
Số tiền huy động từ khách hàng, vốn chủ sở hữu nói trên tồn tại dưới các hình thức:
-Tài sản vật chất hiện hữu 45.188 tỷ đồng (bao gồm 8.568 tỷ đồng tiền mặt tồn quỹ; 220.759 tỷ đồng tiền gửi NHNN và các tổ chức tín dụng khác; 1.113 tỷ đồng đầu tư vào công ty con; 5.328 tỷ đồng tài sản cố định; 9.202 tỷ đồng mua chứng khoán Chính phủ, chứng quyền địa phương; và 218 tỷ đồng mua chứng khoán vốn).
-Các khoản phải thu liên quan tín dụng 556.539 tỷ đồng (gồm 390.316 tỷ đồng cho vay khách hàng; 58.679 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành; 69.576 tỷ đồng bán nợ chậm trả chưa thu được; 1.022 tỷ đồng bán trái phiếu chậm trả; 32.832 tỷ đồng nhận tài sản thay thế nghĩa vụ trả nợ; 3.901 tỷ đồng các khoản phải thu UPAS L/C; và 33 tỷ đồng bán tài sản trả chậm).
-Các khoản phải thu khác 135.173 tỷ đồng (gồm 125.688 tỷ đồng nợ lãi, chi phí phải thu từ khách hàng với khoản nợ nhóm 1; 5.542 tỷ đồng chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi; 990 tỷ đồng phải thu với các tổ chức trung gian như Napas; 954 tỷ đồng phải thu khách hàng theo các hợp đồng phí tư vấn tài chính…). Trong đó ghi rõ khoản nợ lãi, phí phải thu đối với các khoản nợ nhóm 1; 125.688 tỷ đồng ngân hàng SCB chưa thu được.
-Các qũy dự phòng rủi ro, hao mòn tài sản cố định 23.300 tỷ đồng – đây là các khoản đã được trích lập, ghi nhận nhằm sẵn sàng bù đắp tổn thất cho những khoản nợ khó đòi, tích lũy vốn tái đầu tư cho tài sản cố định.
Tổng nguồn vốn của Ngân hàng SCB theo sổ sách kế toán tại ngày 17/10/2022 là 713.420 tỷ đồng (bao gồm số huy động, vốn chủ sở hữu, nghĩa vụ ngân hàng chưa chi, lãi phải trả, các khoản phải trả và công nợ khác… 18.798 tỷ đồng).
Số liệu thực tế điều tra xác định
Thực trạng tài chính của SCB tại thời điểm 30/6/2017 với tỷ lệ nợ xấu đến 20,92% trong khi so với SCB báo cáo chỉ 0,61%; tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ CAR 6,5% trong khi so với số SCB báo cáo là 10,06%; tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dự nợ 62,95% trong khi số SCB báo cáo 55% (NHNN cho phép không quá 55%)… Dù thực trạng SCB rất xấu, âm vốn chủ sở hữu nhưng Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đối tượng bưng bít, báo cáo không trung thực, mua chuộc các cán bộ thanh tra.
Kết quả kiểm toán độc lập xác định tại ngày 30/9/2022 SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng. Kết quả thẩm định giá lại các tài sản của SCB của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân cho thấy giá trị của ngân hàng còn 295.940 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định 5.946 tỷ đồng; tài sản đảm bảo cho các khoản vay còn 289.994 tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng xác định, liên quan khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; tổng dư nợ đến 17/10/2022 là 677.286 tỷ đồng (gồm 483.917 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi).
>>Xem thêm dòng sự kiện vụ Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan