Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: ‘Việc nhẹ lương cao’ - đứng tên thành lập công ty nhận 12 triệu đồng/tháng
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có 1.470 công ty và khoảng 1.800 cá nhân đứng tên thành lập doanh nghiệp, ký các khoản vay…
Những chi tiết trong kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang khiến dư luận quan tâm. Giai đoạn này, tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành các lô trái phiếu được điều tra làm rõ.
Kết quả điều tra cho thấy, Trương Mỹ Lan cùng những người liên quan đã lập nên loạt công ty “ma”, cùng với một số công ty “lõi” tạo nên hệ sinh thái với tổng khoảng 1.470 đơn vị.
Để thực hiện, có khoảng 1.800 cá nhân được thuê để đứng tên thành lập doanh nghiệp đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu chứng từ.
Bà Trương Mỹ Lan |
Việc tạo dựng loạt công ty ma và cá nhân được thuê này, còn là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính thường được gọi tại Vạn Thịnh Phát là “giải quỹ”.
Tùy thuộc mức độ, các cá nhân này được nhân thù lao:
- Lương đứng tên thành lập công ty có khoản vay: 12 triệu đồng/tháng
- Lương đứng tên thành lập công ty không có khoản vay: Từ 7-10 triệu đồng/tháng.
- Lương đứng tên cổ phần: 2 triệu đồng/tháng/công ty.
- Lương đứng tên khoản vay: 15-25 triệu đồng/năm/khoản vay.
- Lương đưng tên tài sản: Khoảng 15 triệu đồng/năm.
Mức "lương" mà các cá nhân được nhận tùy thuộc vị trí công việc |
Các công ty ma này được giao cho một số nhân vật chủ chốt như Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm… thực hiện, gồm cả việc đặt tên, chọn người đại diện theo pháp luật, chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp.
Sau đó, các công ty này được giao cho Phan Chí Luân theo dõi tổng thể, Nguyễn Phương Anh phân bổ cho từng nhóm nhỏ, mỗi người quản lý khoảng 20-30 công ty.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ sắp xếp nguồn tiền từ 8-10 tỷ đồng/tháng để chi trả lương cho các cá nhân được thuê.
Kết luận điều tra cho thấy, trong 1.470 công ty, có 656 công ty được sử dụng để vay tiền SCB; có 85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài; 63 công ty được thành lập để nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam; gần 50 công ty được dùng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm công ty khác được lập để mua tài sản, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần, chuyển nhượng tài sản…