Bằng những thủ thuật "đi tiền" lòng vòng, Giám đốc Công ty Tường Việt đã được Trương Mỹ Lan "tạo điều kiện" cho không 1.500 tỷ đồng thông qua hồ sơ vay vốn.
Theo kết luận điều tra tại vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tham gia 'rút ruột' ngân hàng SCB còn có đối tượng Dương Tấn Trước - Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt.
Cụ thể, Trước quen biết Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát từ cuối năm 2020. Khoảng tháng 4/2021, Trương Mỹ Lan và Trương Khánh Hoàng đã trao đổi, thỏa thuận với Trước về việc chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng.
Phía Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB với số tiền nhận nợ là 3.500 tỷ (gồm 2.500 tỷ đồng tiền nhận chuyển nhượng dự án và 1.000 tỷ đồng còn lại để Trương Mỹ Lan sử dụng và có trách nhiệm trả SCB).
Với hành vi giúp sức, đồng phạm, 1 cá nhân đã nhận của Trương Mỹ Lan số tiền 2.697 tỷ đồng |
Theo đó, Trước đã chỉ đạo nhân viên của Công ty Tường Việt liên hệ với SCB vay vốn bằng cách lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh để đứng tên hồ sơ vay vốn. Đến ngày 19/5/2021, SCB chính thức ký thoả thuận cho vay với hai công ty mới lập trên, lần lượt là 1.700 tỷ và 1.800 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho 2 khoản vay này là dự án Thanh Yến (diện tích 7.092,2m2 tại Quận 2, TP. HCM).
Sau khi giải ngân, kết luận điều tra ghi nhận tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát để sử dụng vào nhiều mục đích khác của Trương Mỹ Lan.
Đến ngày 17/10/2022, 2 khoản vay này còn dư nợ gốc là 3.500 tỷ, lãi hơn 589 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trước còn giúp Trương Mỹ Lan thực hiện công việc liên quan đến việc xin cấp giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 Dự án Mũi đèn đỏ; thay đổi về hệ số xây dựng (tăng) của dự án này, giấy phép xây dựng dự án Sài Gòn Bình An (SDI) nên Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng (thực chất là rút từ SCB để cho Trước số tiền trên).
Dự án Mũi Đèn Đỏ, hay còn gọi là Khu đô thị mới Saigon Peninsula là một trong những dự án đình đám nằm tại ngã ba sông Sài Gòn, quận 7, có tổng vốn đăng lý lên đến 6 tỷ USD song đến nay vẫn "đắp chiếu".
Với khoản thưởng hậu hĩnh, Trước đã báo cáo Cao Việt Dũng (nguyên Chủ tịch Công ty Tường Việt) về việc Tường Việt chuyển sang làm hạn mức để vay vốn tại SCB nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù thời điểm này, Công ty Tường Việt không có phương án kinh doanh, chưa có nhu cầu vay tiền cũng như không có tài sản đảm bảo cho khoản vay song Cao Việt Dũng vẫn đồng ý với Trước về việc làm hạn mức vay vốn.
Đáng chú ý, Cao Việt Dũng không ký thoả thuận của từng lần nhận nợ, không ký giấy nợ... nhưng đồng ý cho Trước giả chữ ký của mình để thực hiện vay tiền tại SCB. Để hợp thức hồ sơ vay, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đưa 39 triệu cổ phần CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn làm tài sản đảm bảo sau đó tiếp tục hoán đổi tài sản gồm các bất động sản như quyền sử dụng 342,8m2 đất tại số 11-21 Hàm Nghi (Quận 1, TP. HCM)....
Theo kết luận điều tra, thông qua Công ty Tường Việt, các bị can đã rút của Ngân hàng SCB số tiền 1.746,5 tỷ đồng trong đó Trương Mỹ Lan sử dụng 240 tỷ, Trước sử dụng 1.368,5 tỷ và Công ty Tường Việt dùng cho HĐKD 138 tỷ đồng. Như vậy, Trước đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan chiếm đoạt đến 4.743 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 605 tỷ đồng. Ngoài ra, cá nhân này còn nhận của Trương Mỹ Lan số tiền 2.697 tỷ (đã đưa lại 492,5 tỷ đồng). Số tiền hiện còn lại là hơn 2.204 tỷ đồng Trước xin tự nguyện trả lại toàn bộ cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả. |
Vụ Vạn Thịnh Phát: Cho ‘mượn tên’ công ty, một người được nhận 443 tỷ đồng từ Trương Mỹ Lan
Cách bà Trương Mỹ Lan 'cài cắm nhân sự' để thâu tóm, rút tiền Ngân hàng SCB