Vụ Vạn Thịnh Phát: Người phát minh ra công thức giúp tránh tình trạng sở hữu chéo thấy 'nhẹ lòng'

08-04-2024 22:22|Hồ Nga

Người phát minh ra công thức tránh sở hữu chéo đã mang theo hành trang là kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán đến với Vạn Thịnh Phát.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan đang ở những ngày cuối của phiên xét xử. Các bị cáo đã nói xong lời cuối cùng, chờ ngày phán xét.

Những lời cuối của các bị cáo lộ thêm nhiều tình tiết, nhiều thông tin của vụ án mà cáo trạng không nhắc tới.

Ví dụ, lời cuối của bị cáo Lê Khánh Hiền lộ số tiền mà BIDV (BID) “rót” cho SCB trong giai đoạn tái cơ cấu. Cũng lời cuối của Lê Khánh Hiền tiết lộ một số thông tin quan trọng trong giai đoạn tái cơ cấu SCB khi sáp nhập 3 ngân hàng. Trong đó, lộ diện số tiền Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng “rót’ vào SCB xấp xỉ 40.000 tỷ đồng.

Những thông tin này không được Trương Mỹ Lan nhắc đến khi bị cáo này luôn khẳng định bản thân và gia đình đã đưa rất nhiều tài sản có giá trị cho SCB mượn để tái cơ cấu. Trương Mỹ Lan một mực phủ nhận việc thâu tóm SCB.

>> Là ‘đứa con cưng’ một thời của Vietcombank, được Trương Mỹ Lan nhắc tên, ‘số phận’ bảo hiểm FWD giờ ra sao?

Mang theo hành trang nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán đến với Vạn Thịnh Phát

Trong khi đó, nói lời cuối tại tòa, bị cáo Hồ Bửu Phương - người từng là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn VTP - “kể”, khi về làm cho Tập đoàn, bị cáo mang theo hành trang nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán.

Bị cáo có nhiệm vụ tái cấu trúc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để mở rộng thị trường hoạt động. Quanh co chối tội, bị cáo cho rằng không ngờ vì công việc hằng ngày của mình tại Tập đoàn đã dẫn đến hành vi phạm tội.

Bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là phạm tội, bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, chỉ làm công tác chuyên môn, xin Hội đồng xét xử xem xét đánh giá lại hành vi của bị cáo để áp dụng cho mức hình phạt phù hợp hơn.

Trước đó, phiên xét xử ngày 22/3, tại phần tự bào chữa, bị cáo Hồ Bửu Phương cũng một mực cho biết lúc đầu không hiểu vì sao bị bắt, quá trình điều tra cũng không rõ mình đã tham ô gì.

Khá bất ngờ khi cảm nhận của bị cáo đưa ra khi đọc cáo trạng là cảm thấy “nhẹ lòng” vì hành vi của bị cáo thể hiện rõ là giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 163.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 99.000 tỷ đồng cho SCB.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Người phát minh ra công thức giúp tránh tình trạng sở hữu chéo thấy 'nhẹ lòng'
Bị cáo Trương Mỹ Lan và Hồ Bửu Phương

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Người vẽ nên bức tranh '71 khách hàng cùng địa chỉ có dư nợ 102.000 tỷ' tại SCB ‘kể công’

Người phát minh ra công thức giúp tránh tình trạng sở hữu chéo

Hồ Bửu Phương là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn VTP và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến 31/7/2020.

Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn về tài chính, Phương còn được Trương Mỹ Lan giao nhiệm vụ phối hợp với văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án giải quỹ đối với số tiền được SCB giải ngân.

Do hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát rất rộng với hàng nghìn công ty vệ tinh và hàng nghìn người được thuê đứng tên, để tránh tình trạng sở hữu chéo cổ phần giữa các công ty, Phương đã phát minh ra “công thức” để quản lý và cho mọi người áp theo.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Bí ẩn Hồ Bửu Phương, người phát minh ‘công thức’ giúp tránh tình trạng sở hữu chéo

Mỗi lần thực hiện, Phương yêu cầu Phương Anh và Luân kết hợp làm việc. Các bên rà soát các công ty và áp đơn giá cổ phần tương đối theo quy mô, thời gian thành lập và tài sản của công ty mà Luân đã lập theo hướng dẫn và công thức của Phương.

Theo kết luận điều tra, khi các khoản vay được SCB giải ngân vào tài khoản của "công ty ma" thụ hưởng tiền theo phương án vay vốn khống, bộ máy “giải quỹ” sẽ hoạt động.

Để "giải quỹ", các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống được lập, trong đó các “công ty ma” được thụ hưởng tiền giải ngân sẽ “hứa mua cổ phần” của các cá nhân được thuê đứng tên.

Sau khi các “công ty ma” chuyển tiền, các cá nhân này sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền. Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan thuế, cơ quan thanh tra kiểm tra phát hiện sai phạm.

Hồ Bửu Phương khai không được Trương Mỹ Lan giao nhiệm vụ liên quan đến quá trình tạo lập các khoản vay mà khi cần “giải quỹ” cho các công ty lớn, Trương Mỹ Lan mới triệu tập Phương và nhóm phụ trách cùng (thường là Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân và Hà Thục Kim) để họp.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Người tố giác bà Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ lên tiếng

Vụ Vạn Thịnh Phát: Người vẽ nên bức tranh '71 khách hàng cùng địa chỉ có dư nợ 102.000 tỷ' tại SCB ‘kể công’

Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ số tiền NHNN và các tổ chức tín dụng ‘cấp’ cho SCB tái cơ cấu, lên đến 40.000 tỷ

Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện số tiền BIDV ‘bơm’ cho SCB để tái cơ cấu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-nguoi-phat-minh-ra-cong-thuc-giup-tranh-tinh-trang-so-huu-cheo-thay-nhe-long-229793.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vụ Vạn Thịnh Phát: Người phát minh ra công thức giúp tránh tình trạng sở hữu chéo thấy 'nhẹ lòng'
POWERED BY ONECMS & INTECH