Trước đó nhóm Phương Trang đã thống nhất chuyển nhượng cổ phần công ty Thành Hiếu cho Trương Mỹ Lan với giá 3.450 tỷ đồng, nhưng mới nhận 1.200 tỷ.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang khiến dư luận quan tâm, đặc biệt là các thông tin hé lộ về các thông tin diễn biến trong giai đoạn 2.
Bất ngờ nhất là phần lớn các tài sản kê biên, phong tỏa chủ yếu đều sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả cho các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Cao Trí, Dương Tấn Trước…
Tuy vậy, đặc biệt, riêng một phần tài sản kê biên của bị cáo Trương Huệ Vân lại xác định để phục vụ cho giai đoạn 2 của vụ án. Những tài sản “lạ” này của Trương Huệ Vân gồm 13 chiếc điện thoại và 11 chiếc đồng hồ…
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Không được cho vay vốn để đảo nợ
Phương Trang phải trả lại 1.200 tỷ đồng
Những thông tin khác trong bản án được công bố cũng lộ diện chi tiết các giao dịch liên quan của các cá nhân, pháp nhân với bà Trương Mỹ Lan. Điển hình trong số đó là các giao dịch của nhóm Phương Trang.
Liên quan vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra xác định, phía công ty Phương Trang (gồm ông Nguyễn Hữu Luận, ông Phạm Đăng Quang và CTCP Phương Trang Futa Bus Line) đã chuyển nhượng cho Trương Mỹ Lan (thông qua 3 cá nhân được bà Lan chỉ định) cổ phần của công ty Thành Hiếu với giá 3.450 tỷ đồng. Tuy vậy, phía Trương Mỹ Lan mới thanh toán được 1.200 tỷ đồng.
Công ty Thành Hiếu được biết đến là công ty con của Phương Trang, là chủ đầu tư 3 dự án Golden Gate quận 7, TP. HCM; dự án khu dân cư Thành Hiếu Long An và khu tái định cư Thành Hiếu.
Để thực hiện dự án, theo thỏa thuận, phía Phương Trang đã giao các giấy tờ pháp lý, con dấu, tài liệu liên quan dự án cho Trương Mỹ Lan (chỉ mới bàn giao dự án Golden Gate).
Bà Trương Mỹ Lan đã dùng dự án Golden Gate thế chấp tại SCB để vay tiền.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Không đồng ý Trương Mỹ Lan dùng 1.350 tỷ khắc phục hậu quả cho Trương Huệ Vân
Thông tin giao dịch thế chấp của Thành Hiếu cũng ghi nhận doanh nghiệp có nhiều giao dịch vay vốn tại ngân hàng, trong đó tháng 5/2021 có khoản vay có giá trị 1.200 tỷ đồng, ký ngày 27/5/2021. Tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi ích thu được từ việc khai thác dự án khu thương mại và nhà cao tầng Golden Gate. Tài sản gồm các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các hợp đồng, thoả thuận bồi thường của chủ đầu tư dự án đối với các cá nhân/tổ chức...
Ngoài giao dịch này, tháng 6/2021, Thành Hiếu tiếp tục có giao dịch đảm bảo cho khoản vay có giá trị 675 tỷ đồng nối tiếp hợp đồng vay nêu trên, ký ngày 1/6/2021.
Hiện các dự án đang ngưng trệ, không thực hiện được. Phía công ty Phương Trang đề nghị được xuất trả lại số tiền 1.200 tỷ đồng và hủy bỏ biện pháp phong tỏa cổ phần công ty Thành Hiếu, hủy bỏ ngăn chặn tài sản liên quan đến công ty Thành Hiếu làm chủ đầu tư, hủy bỏ giao dịch chuyển nhượng cổ phần.
HĐXX tuyên chấn nhận phương án phía công ty Phương Trang hoàn trả lại 1.200 tỷ đồng vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TP. HCM để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án, cùng với đó nhận lại các quyền lợi liên quan.
Trên thực tế, về dự án Khu thương mại và nhà cao tầng Golden Gate, trước đó Sở Xây dựng TP. HCM có văn bản gửi Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng về tình hình phát triển đô thị năm 2022, trong đó cho biết trên địa bàn có 138 dự án đã hết hạn đầu tư. Trường hợp của Golden Gate thuộc 56 dự án nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa thi công xây dựng.
Trên các chuyên trang rao bán bất động sản, bất ngờ khi toàn bộ dự án Golden Gate được đưa ra rao bán, giá chào bán dao động quanh mức 1.900 tỷ đồng chưa tính 2% phí.
Bản tin rao bán dự án Golden Gate quận 7, TP. HCM trên trang Batdongsan.com.vn |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Kê biên 39 BĐS và tài khoản ngân hàng nghìn tỷ của 'đại gia' Dương Tấn Trước
Từng liên quan đại án Trustbank, hệ sinh thái Phương Trang của đại gia Nguyễn Hữu Luận có gì?
Không chỉ trong vụ Vạn Thịnh Phát, Phương Trang từng xuất hiện trong đại án Trustbank (Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam CB Bank - VNCB) liên quan Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn.
Ở vụ án này, nhóm Phương Trang dùng 36 tài sản là bất động sản thế chấp để vay tiền tại Trustbank. Các tài sản này cũng đã bị kê biên trong quá trình truy tố vụ án.
Phiên tòa xét xử, phía Trustbank khẳng định đã giải ngân đủ 9.000 tỷ đồng cho Phương Trang và yêu cầu Phương Trang trả cả gốc và lãi hơn 27.000 tỷ đồng cho CB Bank. Tuy vậy, theo kết luận vụ án, Hứa Thị Phấn đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để chỉ đạo hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho công ty Phương Trang hơn 5.256 tỷ đồng.
HĐXX tuyên buộc Công ty Phương Trang phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ gốc mà Công ty Phương Trang thực nhận là hơn 3.936 tỷ đồng cùng lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án với tổng số tiền là hơn 6.400 tỷ đồng.
Đối với 36 tài sản là bất động sản của Công ty Phương Trang dùng thế chấp để vay tiền, HĐXX giao CB Bank quản lý. Khi Công ty Phương Trang hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 6.400 tỷ đồng hoặc một khoản tiền nào đó sẽ được nhận toàn bộ tài sản hoặc số tài sản tương ứng đối với từng khoản tiền mà Công ty Phương Trang đã trả cho CB Bank.
Tập đoàn Phương Trang do đại gia Nguyễn Hữu Luận làm Chủ tịch HĐQT, được biết đến đầu tiên trong mảng vận tải hành khách và dần lấn sân sang mảng bất động sản.
Hệ sinh thái Phương Trang gồm nhiều doanh nghiệp như CTCP Bất động sản Futa Land, CTCP Kim Long Motors Huế, CTCP Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Mỹ, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Sơn Trà Đà Nẵng và Công ty TNHH Hàn Hà... và cả công ty Thành Hiếu, Futa Bus Lines liên quan vụ Vạn Thịnh Phát.
Ở mảng bất động sản, Phương Trang gắn liền với một số dự án tại TP. HCM như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3), The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha)...
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: 3 chiếc Rolls-Royce Phantom Rồng và Ghost I bị kê biên đang ở đâu?