Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan và câu chuyện thâu tóm SCB cùng vai trò của BIDV

29-02-2024 10:20|Hồ Nga

Theo chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa năm 2011, BIDV tham gia với vai trò đại diện của Nhà nước, hỗ trợ quá trình hợp nhất.

Ngày 5/3 tới đây, vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan sẽ được đưa ra xét xử. Thời gian xét xử dự kiến kéo dài khoảng 2 tháng, đến 29/4/2024.

Vụ án đang "nóng" lên từng ngày khi nhiều thông tin được cơ quan điều tra làm rõ.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan và các bị can đã được di lý vào Sài Gòn

Trương Mỹ Lan thâu tóm SCB: Con đường từ tái cơ cấu ngân hàng

Năm 2011, câu chuyện hợp nhất 3 ngân hàng TMCP là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), ngân hàng TMCP Đệ Nhất và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa được thông qua. Đây là kết quả sau hành trình "cứu" các ngân hàng đơn lẻ như SCB, Tín Nghĩa đang kinh doanh không hiệu quả. Nhóm ngân hàng này chủ yếu cho vay vốn trung vài dài hạn trong khi nguồn vốn huy động phần lớn là ngắn hạn, khiến có lúc mất thanh khoản.

Theo đề án lúc đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID) được giao đóng vai trò đại diện Nhà nước, hỗ trợ 3 ngân hàng hợp nhất. BIDV giai đoạn đó do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT. Một trong những nhiệm vụ của BIDV lúc đó là "bơm" tiền hỗ trợ thanh khoản, đồng thời hỗ trợ quá trình tái cấu trúc.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Tài sản kê biên lộ 2.100 tỷ đồng gửi tại SCB, BIDV, Vietinbank, HSBC… bị phong tỏa

Tháng 12/2011 SCB cùng Đệ Nhất, Tín Nghĩa tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, thông qua phương án sáp nhập. Ngân hàng sau sáp nhập lấy tên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính lúc đó, BIDV đã cử 22 lãnh đạo và chuyên gia giỏi sang các ngân hàng để bước đầu tham gia vào quá trình hợp nhất. Bên cạnh đó, BIDV còn huy động 3 Phó Tổng Giám đốc và 10 Giám đốc các ban chuyên môn tham gia tư vấn, hỗ trợ quá trình này.

Thậm chí, BIDV lúc đó cho rằng, với tư cách đại diện vốn của nhà nước, BIDV có thể tham gia vào hội đồng quản trị và ban điều hành, kiểm soát. Cụ thể, BIDV có thể sẽ nắm vị trí Phó chủ tịch hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc, ban kiểm soát và các ban chuyên môn khác.... Tuy nhiên, đây hoàn toàn là việc đại diện phần vốn nhà nước, hoàn toàn không có nghĩa là BIDV có tỷ lệ cổ phần, phần vốn là của nhà nước và tỷ lệ bao nhiêu do nhà nước quyết định. Tất cả khoản vốn hỗ trợ của nhà nước cho 3 ngân hàng này về thanh khoản được theo dõi và hạch toán riêng, không làm ảnh hưởng đến cân đối kế toán, tài chính của BIDV.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan và câu chuyện thâu tóm SCB cùng vai trò của BIDV
Bà Trương Mỹ Lan

Song, trong câu chuyện của Vạn Thịnh Phát, SCB và Trương Mỹ Lan, lời khai của các bị can, đã không thấy vai trò của BIDV trong quá trình này.

Theo kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra, liên quan đến sở hữu tại SCB, lời khai của Trương Mỹ Lan cho biết từ trước năm 2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan nắm giữ 81,42% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên 32 cổ đông; 80,46% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên 24 cổ đông và 98,74% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín dưới tên 36 cổ đông.

>> Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB

Tháng 1/2012, sau khi hợp nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới ra đời. Cá nhân bà Trương Mỹ Lan lúc đó tự đứng tên hơn 4%; số còn lại phân tán cho 74 cá nhân, pháp nhân khác đứng tên hộ, sở hữu đến 85,6%. Sau đó nhóm bà Trương Mỹ Lan liên tục nâng tỷ lệ sở hữu tại SCB lên đến 91,54%.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan và câu chuyện thâu tóm SCB cùng vai trò của BIDV

Sử dụng SCB như "công cụ tài chính", bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng

Không ở trong ban lãnh đạo ngân hàng, nhưng là "thế lực" đứng sau sở hữu số cổ phần chi phối, Trương Mỹ Lan chọn các lãnh đạo phù hợp nắm quyền tại SCB, ví dụ Bùi Anh Dũng được cho làm chủ tịch HĐQT SCB do “hiền lành, không quậy phá, được lòng người”. Ngoài ra, các vị trí lãnh đạo chủ chốt đều là người thân tín.

Để rút tiền, Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hình thành hệ thống hàng nghìn công ty vệ tinh, bao gồm nhóm công ty tài chính, nhóm công ty chủ chốt có hoạt động, loạt các công ty "vỏ bọc" tại nhiều nước khác nhau, tại các "thiên đường thuế", và nhóm các công ty "ma", cùng danh sách hàng nghìn người "mượn tên" nhằm lập các hồ sơ vay vốn khống.

Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi từ người dân và các tổ chức, huy động vốn từ các nguồn khác. Còn hoạt động cho vay, lại chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Để rút tiền, nhóm Vạn Thịnh Phát và các công ty vệ tinh lập các hồ sơ vay vốn khống, được các cán bộ SCB "giải ngân trước, hoàn thiện hồ sơ sau". Tài sản đảm bảo thường xuyên bị hoán đổi, rút các tài sản có giá trị cao ra.

Thực trạng SCB thời điểm khởi tố cho thấy nhóm Trương Mỹ Lan đã rút hơn 1,06 triệu tỷ đồng từ SCB; riêng dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan đến 17/10/2022 là 677.286 tỷ đồng. SCB lúc đó lỗ lũy kế hơn 646.547 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan và câu chuyện thâu tóm SCB cùng vai trò của BIDV

"Tiếp tay" cùng SCB còn có các cán bộ tổ thanh tra NHNN qua các thời điểm, trong đó nổi bật nhất là bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để "bưng bít" kết quả kinh doanh, thực trạng yêu kém của SCB.

Để giúp SCB "thoát" khỏi các đợt thanh tra, Đỗ Thị Nhàn còn "mách nước" cho Trương Mỹ Lan cách xử lý các khoản nợ xấu, nợ quá hạn.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Đỗ Thị Nhàn "chỉ điểm" cho Trương Mỹ Lan cách thoát nạn đợt thanh tra như thế nào?

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan và các bị can đã được di lý vào Sài Gòn

Vụ Vạn Thịnh Phát: 3 nhân tố giúp Trương Mỹ Lan lập hàng trăm công ty ‘ma’ gây thiệt hại 232.000 tỷ đồng cho SCB

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-truong-my-lan-va-cau-chuyen-thau-tom-scb-cung-vai-tro-cua-bidv-224635.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan và câu chuyện thâu tóm SCB cùng vai trò của BIDV
    POWERED BY ONECMS & INTECH