‘Vùng đất trăm nghề’ của Thủ đô thành lập cụm công nghiệp làng nghề 5ha chuyên may ví, túi xách, khảm trai…
Dự án nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra khỏi khu dân cư, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất thân thiện với môi trường.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Sơn Hà giai đoạn 1 tại xã Quang Hà, huyện Phú Xuyên.
Theo quyết định, cụm công nghiệp có quy mô 5ha, được phát triển theo định hướng công nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Dự án tập trung vào các ngành nghề truyền thống như may ví, túi xách, võng, tơ lưới, khảm trai, mộc, sơn mài, cơ khí… với mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra khỏi khu dân cư, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất thân thiện với môi trường.

Toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được xây dựng đồng bộ và hiện đại, bao gồm trạm xử lý nước thải tập trung áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hệ thống thu gom nước thải và nước mặt tách riêng, địa điểm tập kết chất thải công nghiệp và sinh hoạt, hệ thống chiếu sáng, cây xanh...
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hưng Thịnh, với tổng mức đầu tư hơn 115 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng kể từ ngày ban hành quyết định, thời gian hoạt động của cụm công nghiệp là 50 năm.

UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và vốn huy động theo đúng quy định. Đồng thời, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án.
Theo quy định, nhà đầu tư sẽ được thuê đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phải sử dụng đúng mục đích theo quyết định giao đất. Cụm công nghiệp không được phép bố trí khu ở, lưu trú hay trung tâm thương mại trong phạm vi ranh giới quy hoạch. Việc chuyển nhượng dự án hoặc huy động vốn trái phép dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm, dự án sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
Là huyện phía Nam Thủ đô, Phú Xuyên được mệnh danh là “đất trăm nghề” với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Khảm trai Chuyên Mỹ; may Vân Từ; đan cỏ tế Phú Túc, tò he Xuân La… Những năm qua, các làng nghề đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
>> Tỉnh giàu có của Việt Nam sẽ có thêm khu công nghiệp 1.800 tỷ gần siêu sân bay sắp hoạt động
Thanh khoản phân khúc đất thổ cư lao dốc, dòng tiền đầu tư âm thầm 'tháo chạy' khỏi Hà Nội
Quý I/2025: Chung cư Hà Nội ‘hạ nhiệt’, thị trường thứ cấp theo đà giảm giá