Nhịp sống

Vùng 'đất võ, trời văn' xây dựng nhà máy sản xuất sản vật 'tiến vua' tại khu vực rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi

Thùy Dung 02/08/2024 - 14:28

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp người dân có thêm sinh kế từ việc chăm sóc và bán lá cây chè.

Tỉnh Bình Định vừa thông qua dự án xây dựng Nhà máy sản xuất trà "tiến vua" của một công ty tại thành phố Quy Nhơn, tọa lạc tại xã An Toàn, huyện An Lão. Đây được xem là bước tiến mới, góp phần nâng cao giá trị của cây chè cổ thụ ở vùng cao An Toàn, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định.

UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư và đồng ý cho Công ty Cổ phần và Dịch vụ Q-Link, có trụ sở tại phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, xây dựng nhà máy sản xuất trà "tiến vua" tại xã An Toàn, huyện An Lão. Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, công suất hơn 86kg trà mỗi năm, và dự kiến hoàn thành từ quý 2/2024 đến quý 4/2025.

Hình ảnh cây chè 'tiến vua' cổ thụ tại Bình Định. Ảnh: Internet

Hình ảnh cây chè 'tiến vua' cổ thụ tại Bình Định. Ảnh: Internet

UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện An Lão phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định; thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định. Nhà đầu tư phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, đồng thời hoàn thành các công trình đúng quy mô, tiến độ và các cam kết đã đề ra trong hồ sơ dự án trong suốt quá trình triển khai.

Các gốc chè được đánh số để bảo tồn. Ảnh: Internet

Các gốc chè được đánh số để bảo tồn. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Bí thư Huyện ủy An Lão, tỉnh Bình Định hy vọng, khi dự án Nhà máy sản xuất trà "tiến vua" tại xã An Toàn đi vào hoạt động sẽ giúp người dân có thêm sinh kế từ việc chăm sóc và bán lá cây chè:

“Hai thế mạnh của huyện An Lão chúng tôi tập trung làm là phát triển cây chè "tiến vua" và liên kết trồng dược liệu. UBND tỉnh đã cấp phép cho một doanh nghiệp tiến hành đầu tư để sản xuất, chế biến chè tiến vua trên địa bàn. Chúng tôi đang cố gắng cùng với nhà đầu tư để giải phóng mặt bằng, giao đất để cho nhà đầu tư tập trung xây dựng, sớm đưa nhà máy vào chế biến để vận hành ra sản phẩm đầu tiên nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trên địa bàn. Đây có thể được xem là liên kết trong phát triển gắn chặt giữa người dân với doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm mới và góp phần nâng cao thu nhập cho bà con”.

Hiện Bình Định có khoảng hơn 6.000 gốc chè cổ thụ. Ảnh: Vietnamnet

Hiện Bình Định có khoảng hơn 6.000 gốc chè cổ thụ. Ảnh: Vietnamnet

Hiện nay, cây chè "tiến vua" ở huyện miền núi An Lão có hơn 6.000 cây, phân bố rải rác trong các khu rừng tự nhiên quy hoạch cho sản xuất và trong nương rẫy, vườn rừng của người dân xã An Toàn. Nhiều cây chè cổ thụ có đường kính hơn 40cm. Mới đây, Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, đã tiến hành điều tra trên diện tích 2.059 hecta rừng tự nhiên thuộc quy hoạch sản xuất tại xã An Toàn. Kết quả cho thấy có 493 cây chè với đường kính gốc nhỏ nhất là 10cm, chiều cao từ 3,5m đến hơn 9m, và tán rộng từ 0,4m đến 7m.

Các gốc chè được bảo tồn và phát triển nghiêm ngặt. Ảnh: Internet

Các gốc chè được bảo tồn và phát triển nghiêm ngặt. Ảnh: Internet

Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã thống kê, đánh số, gắn tọa độ mỗi cây chè cổ thụ để đưa vào bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt. Lực lượng thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn cũng tuyên truyền, vận động bà con không chặt phá, xâm hại cây và thường xuyên tuần tra, bảo vệ để giữ cây.

Nhiều phương án được xây dựng nhằm bảo tồn cây chè cổ. Ảnh: Internet

Nhiều phương án được xây dựng nhằm bảo tồn cây chè cổ. Ảnh: Internet

Để phát triển thế mạnh của vùng chè An Toàn, UBND huyện An Lão đã xây dựng đề án khôi phục và phát triển rừng chè. Đề án này không chỉ nhằm tái sinh những đồi chè xanh mướt, mà còn hướng đến việc xây dựng một thương hiệu chè đặc sản, mang tên "tiến vua". Với mục tiêu nâng tầm chè "tiến vua" An Toàn thành một sản phẩm đặc trưng của địa phương, UBND huyện An Lão mong muốn biến nó thành món quà tặng cao cấp, phục vụ nhu cầu du lịch và góp phần quảng bá văn hóa bản địa.

Được biết, rừng chè tiến vua hay còn gọi là chè Ô Long, chè Gia Long mọc tự nhiên ở vùng đất có độ cao hơn 900m so với mặt nước biển. Đây là nơi có danh xưng là Bãi cỏ Gia Long, nơi chăn thả gia súc của vua Gia Long, nằm trên địa bàn thôn 2, xã An Toàn.
Lá chè xanh tiến vua vo nấu nước có màu vàng sánh rất đẹp. Khi uống có vị đắng ở đầu lưỡi, ngọt hậu, thơm ngon và có mùi đặc trưng.
Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho hay, sở dĩ có tên là chè tiến vua, vì đây là một loại chè "quý hiếm". Theo lời kể, do loại chè này mọc trong rừng tự nhiên, khó tiếp cận, thu hái nên ngày xưa chỉ có vua và quan lại triều đình mới được thưởng thức. Hằng năm, người dân dâng tặng chè lên cho vua để biểu thị lòng tôn kính.

>> Loại cây hàng nghìn năm tuổi ở Việt Nam cho loại ‘báu vật’ giá 680 triệu/kg, sinh sống ở độ cao gần 3.000m, hiện cả nước chỉ còn 60 gốc

Thác nước 3 tầng tự nhiên ẩn mình trong cây cổ thụ chỉ cách Hà Nội hơn 100km

Độc đáo cây cổ thụ hơn 300 tuổi có tới 13 gốc, tán rộng bao trùm cả nghìn mét vuông

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vung-dat-vo-troi-van-xay-dung-nha-may-san-xuat-san-vat-tien-vua-tai-khu-vuc-rung-che-co-thu-hang-tram-nam-tuoi-d129398.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Vùng 'đất võ, trời văn' xây dựng nhà máy sản xuất sản vật 'tiến vua' tại khu vực rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi
POWERED BY ONECMS & INTECH