Vĩ mô

Vượt khó, phấn đấu tăng trưởng trên 7%

Thảo Nguyên 13/10/2024 - 15:53

Kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 7% như đã đề ra, trong quý IV/2024, Việt Nam cần đạt mức tăng 7,5%. Nền kinh tế đang tăng tốc để về đích kế hoạch.

Khó khăn còn tiềm ẩn

Dù ảnh hưởng bão Yagi, tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4%, con số này nằm trong kịch bản khả quan nhất, cũng là quý tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái.

Đi sâu vào phân tích, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, bão Yagi gây thiệt hại chủ yếu tới ngành nông nghiệp nhưng khu vực này chiếm tỷ trọng chưa tới 12% trong cơ cấu nền kinh tế. Trong khi đó, riêng 26 tỉnh thành bị ảnh hưởng chỉ chiếm hơn 20% tổng giá trị toàn ngành nông, lâm, thủy sản toàn quốc. "Tức là, khu vực bị thiệt hại chỉ chiếm dưới 3% tổng GDP cả nước. Do đó, không tác động quá lớn đến tăng trưởng chung toàn của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản" - bà Nguyễn Thị Mai Hạnh nói.

Nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Ảnh minh hoạ
Nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Ảnh minh hoạ

Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi vẫn giữ được GRDP 9 tháng ở mức cao như: Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)... "Tuy nhiên, các tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh trên 2 con số nên tháng 9 vẫn tăng cao. Nếu không có bão sẽ tăng cao hơn" - bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết thêm.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, các tác động ngắn hạn (thiệt hại tài sản là đầu vào cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp) là có thể có tác động ngay đến quý III, nhưng chắc chắn không quá nhiều. Cơn bão thực sự đổ bộ từ tuần 2 tháng 9 là tháng cuối quý.

Ông Nguyễn Quốc Việt đánh giá, thiệt hại tính chủ yếu về tài sản như hạ tầng, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sẽ mang tính dài hạn. Tức là, các tài sản bị hư hỏng này sẽ dẫn tới đứt gãy tạm thời các nguồn cung hoặc chi phí đẩy cao. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng chậm khắc phục hoặc phải rà soát hàng loạt sẽ ảnh hưởng tới logistics, kéo theo chi phí đầu vào sản xuất công nghiệp tăng. “Việc này sẽ tác động vào sản lượng, giá trị sản xuất của quý IV, thậm chí kéo dài sang 2025 nếu không khắc phục kịp thời”- ông Việt nhấn mạnh.

Trong khi đó, tâm lý e ngại về tính an toàn sẽ kéo giảm du lịch đến các tỉnh miền núi phía Bắc trong quý IV. "Mùa du lịch Tây Bắc, Hà Giang, Cao Bằng từ cuối tháng 9 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", ông Việt nói thêm. Du lịch bị ảnh hưởng có thể kéo theo suy giảm của ngành tiêu dùng, dịch vụ. VEPR cho rằng tăng trưởng quý IV chưa chắc đạt kỳ vọng hay có xu thế tăng đều như 3 quý đầu năm.

Khi thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh những khó khăn, thách thức đến từ môi trường kinh tế thế giới, cũng như những hạn chế nội tại mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Yêu cầu của Ủy ban Kinh tế là cần đánh giá “sâu sắc và kỹ hơn” một số vấn đề, để có thể nhìn nhận đầy đủ, khách quan, toàn diện hơn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024.

Nổi bật trong số đó là tổng cầu phục hồi yếu, với cầu tiêu dùng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm, tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.

Trên thực tế, những điều đó cũng được Bộ KH&ĐT chỉ ra. “Các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt hơn nữa để cải thiện, tháo gỡ” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, về phía cầu, thì tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm, nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 9 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, xuất khẩu tới đây sẽ khó khăn hơn, sức mua trong nước còn tăng thấp và ngay cả khu vực dịch vụ, thì mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay còn nhiều khó khăn. Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới đạt 12,7 triệu lượt, còn cách tới 5,3 triệu lượt khách mới đạt mục tiêu đề ra.

Tăng tốc để về đích

Tại phiên họp trực tuyến với 63 địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các lãnh đạo bộ ngành, địa phương ưu tiên hàng đầu cho tăng trưởng để "GDP năm nay trên 7%". Khá nhiều yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý cuối cùng của năm, thậm chí là kéo dài sang cả quý đầu năm 2025. Nhưng ngược lại, theo Tổng Cục Thống kê, cũng có nhiều yếu tố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa trong quý IV/2024, để cả năm có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công ít nhất 95%. Ảnh minh hoạ
Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công ít nhất 95%. Ảnh minh hoạ

9 tháng, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 17,3 tỷ USD. Gần 500.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế, một con số rất có ý nghĩa.

Một ví dụ có thể cho thấy những đóng góp của khu vực này cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Đó là tỉnh Bắc Giang đạt mức tăng trưởng GRDP tới 13,89% trong 9 tháng qua, cao nhất cả nước, và cũng cao hơn mức tăng trưởng 12,25% của cùng kỳ năm ngoái.

Do vậy, giải pháp đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập cũng là đẩy nhanh thu hút đầu tư các dự án lớn, trong các lĩnh vực công nghiệp tiên phong, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư nhanh chóng được triển khai, góp phần tăng năng lực cho nền kinh tế.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương kiến nghị, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái; đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu.

Cuối năm thông thường, xuất khẩu và đầu tư công tăng tốc. Do đó, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế thông qua việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng cường tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, dịch vụ logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ với các địa phương tháng 9, hôm 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: “Tập trung chỉ đạo ưu tiên cho tăng trưởng, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác phải phối hợp hài hòa, hiệu quả và kịp thời; nhất là chính sách tiền tệ phải chủ động, tích cực, kịp thời; chính sách tài khóa phải mở rộng có trọng tâm, trọng điểm.

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số...

Tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Ngay sau Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng đã ban hành hai công điện về thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cuối năm 2024 và những tháng tiếp theo. Thực thi nghiêm túc và hiệu quả những giải pháp này, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng tốc để về đích.

Để đạt được kết quả giải ngân 95% vốn được giao như mục tiêu đề ra, trong 3 tháng cuối năm phải giải ngân cao hơn số vốn đã giải ngân 9 tháng qua. Nếu đạt 95% giải ngân vốn đầu tư công, GDP cả nước sẽ tăng thêm 0,6%. (TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

Để xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năm nay, các DN Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro và tác động từ việc quá tập trung vào một thị trường hay một nhà cung cấp nhất định. Bên cạnh đó NHNN cũng nên điều hành tỷgiá ổn định và có thể dự báo được nhằm hỗ trợ hoạt động của các DN xuất nhập khẩu. (TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách -VEPR)

>> UOB: Tăng trưởng quý IV sẽ giảm xuống còn 5,2% do tác động kéo dài của siêu bão Yagi

Chủ tịch WEF: Tính năng động đã 'ăn sâu' vào nền kinh tế Việt Nam

Trung Quốc bơm gần 1.000 tỷ NDT vào hệ thống tài chính: Tác động gì đến kinh tế Việt Nam?

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/vuot-kho-phan-dau-tang-truong-tren-7.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Vượt khó, phấn đấu tăng trưởng trên 7%
POWERED BY ONECMS & INTECH