WHO cảnh báo: 3 thực phẩm chứa chất gây ung thư cấp độ 1, nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong bếp của nhiều gia đình
WHO cảnh báo chất gây ung thư cấp 1 thường xuất hiện ở 3 loại thực phẩm này.
Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp aflatoxin (AFT) là chất gây ung thư cấp 1. Đây là một loại độc tố rất có hại, nếu đi vào cơ thể vượt quá 1mg sẽ gây ra các tổn thương DNA, vượt quá 20mg sẽ gây ra ung thư.
Ngoài ra, việc hấp thụ aflatoxin liều thấp trong thời gian dài có thể gây ngộ độc mãn tính, dẫn đến tổn thương gan mãn tính, chẳng hạn như xơ gan, thoái hóa tế bào nhu mô gan, chậm lớn và giảm cân ở động vật.
Aflatoxin thường trú ngụ trong nhiều thực phẩm chúng ta ăn mỗi ngày. Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mọi người không nên ăn 3 loại thực phẩm dưới đây.
Ngũ cốc bị mốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều cơ quan nghiên cứu xác định các loại nấm mốc phát triển trên nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc, trái cây khô, các loại hạt và gia vị là tác nhân gây ung thư. Do chúng chứa các độc tố có thể làm đột biến gene. Độc tố nấm mốc là những hợp chất độc hại được tạo ra từ một số loài nấm mốc. Nấm mốc có thể phát triển trước hoặc sau khi thu hoạch và trong quá trình bảo quản do điều kiện ẩm ướt, ấm nóng.
Có hàng trăm loại độc tố nấm mốc khác nhau đã được xác định nhưng các loại độc tố nấm mốc phổ biến gây lo ngại cho sức khỏe con người và gia súc bao gồm aflatoxin, ochratoxin A, patulin, fumonisin, zearalenone, nivalenol hoặc deoxynivalenol. Tiếp xúc với độc tố nấm mốc có thể xảy ra khi trực tiếp ăn thức ăn nhiễm bệnh hoặc gián tiếp từ động vật ăn thức ăn bị ô nhiễm.
Các loại ngũ cốc như đậu, gạo, ngô, lúa mạch,… và sản phẩm làm từ chúng như bún, mì, các loại mì ống, bơ đậu phộng… một khi bị mốc, hàm lượng aflatoxin sẽ rất cao. Đặc biệt là đậu phộng (lạc) bị nhiễm nấm mốc sẽ sinh ra độc tố aflatoxin B1 cực độc, với 1 liều lượng cực nhỏ đã có thể gây u gan hoặc ung thư gan.
Mộc nhĩ ngâm quá lâu
Mộc nhĩ có chứa vitamin K, giàu canxi, magie và các khoáng chất khác, có tác dụng làm giảm cục máu đông, ngăn ngừa sự xuất hiện của huyết khối có tác dụng ngăn ngừa và điều trị xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
Bởi vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, mộc nhĩ còn được coi là "thịt của người ăn chay" do rất giàu đạm, hàm lượng đạm sánh ngang với thức ăn động vật. Trong Đông y, mộc nhĩ vị ngọt tính bình, đi vào các kinh tỳ vị, đại tràng, can, thận.
Đặc biệt, trong dịp Tết, nhiều gia đình có thói quen ngâm mộc nhĩ từ đêm hôm trước để hôm sau sẵn sàng làm cỗ cúng. Tuy nhiên, mộc nhĩ chỉ nên ngâm trong thời gian ngắn, ngâm trong nhiều ngày dễ biến chất và sinh ra aflatoxin, gây ung thư gan và làm tổn thương mô gan. Theo bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào (Bệnh viện Thanh Nhàn), mộc nhĩ không được ngâm quá 8 tiếng nếu không các vi khuẩn sẽ sản sinh gấp nhiều lần. Đã từng có trường hợp tử vong vì ăn mộc nhĩ ngâm lâu nhiều ngày, nên mọi người cần phải hết sức lưu ý. Để an toàn cho sức khỏe, mọi người chỉ nên ăn mộc nhĩ khô được ngâm trong nước lạnh từ 15-20 phút, rửa sạch, cắt chân trước khi chế biến.
Thực phẩm được chế biến với dầu sử dụng nhiều lần, kém chất lượng
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dầu ăn, mỡ khi chiên rán ở nhiệt độ cao (thường trên 180 độ C) sẽ xảy ra các phản ứng hóa học, sinh ra các chất aldehyt, chất ôxy hóa... đều là những chất ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Nếu nấu ở nhiệt độ càng cao (như để cho dầu bốc cháy trên chảo), số lần nấu lại càng nhiều thì lượng chất độc hại sinh ra càng nhiều. Trong những chất độc hại đó, có những chất bay hơi ra không khí, gây ô nhiễm không khí, người hít phải cũng độc hại, có chất lại lắng lẫn vào trong dầu, mỡ thấm vào thức ăn, người ăn vào rất hại cho sức khỏe.
Khi ăn phải chất độc hại trong dầu, mỡ này có thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn hoặc đau bụng, thở khó, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, người mỏi mệt; ăn nhiều trong thời gian dài có thể gây ra ung thư.
Dầu, mỡ nấu ở nhiệt độ cao nhiều lần còn làm cho các vitamin tan trong dầu như vitamin A, E bị phá hủy, làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu.