Doanh nghiệp

Xét xử vụ Trịnh Văn Quyết: Nhiều nhà đầu tư chung câu hỏi 'đâu là người bị hại, đâu là người liên quan?'

Hồ Nga 26/07/2024 01:16

Các nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu ROS thời điểm bị đình chỉ giao dịch lên tiếng, đề nghị xác định mình thuộc đối tượng người bị hại.

Sáng nay 25/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm tiếp tục diễn ra tại TAND thành phố Hà Nội.

Tuy vậy, đến hơn 9h sáng, Tòa tạm nghỉ, sớm hơn các phiên xét xử trước đó rất nhiều. Theo những người tham dự phiên tòa cho biết, nguyên nhân Tòa tạm nghỉ sớm là do "có tình tiết mới": Thông tin người nhà bị cáo Trịnh Văn Quyết nộp khắc phục hậu quả vụ án thêm 25,1 tỷ đồng được xác nhận tại Tòa.

Bất ngờ khi phiên tòa kết thúc sớm, những người có liên quan vụ án đến tham dự phiên tòa với mong muốn được lên tiếng nói lên nguyện vọng cá nhân, đã đến gặp Thư ký tòa án để làm đơn kiến nghị.

Nhiều nhà đầu tư cùng chung dấu hỏi: Đâu là bị hại, đâu là người có liên quan

Trong thông báo mở phiên tòa xét xử vụ án trước đó, TAND thành phố Hà Nội gửi kèm danh sách hơn 60.000 người bị hại và người có liên quan vụ án. Tuy nhiên, trong bản thông báo, không tách rõ danh sách những người bị hại và những người có liên quan.

Lặn lội 200km từ thành phố Móng Cái xuống Hà Nội sáng nay để tham dự phiên tòa, anh Phương, một trong những người có tên trong danh sách bị hại, người có liên quan, kỳ vọng được nói lên ý kiến tại tòa.

Tuy vậy, phiên tòa sáng nay kết thúc sớm, anh Phương, cùng nhiều nhà đầu tư đến gặp thư ký Tòa án để viết đơn kiến nghị. Anh Phương hiện đang nắm giữ hơn 100.000 cổ phiếu các loại trong "họ" FLC, trong đó có 12.500 cổ phiếu ROS.

Cùng chung câu hỏi về việc phân biệt người bị hại và người có liên quan, chia sẻ ngoài lề vụ án, anh Phương cho biết, sáng nay đã đặt câu hỏi với thư ký Tòa án: Quyền lợi và nghĩa vụ của người bị hại và người có liên quan ra sao?

Trả lời câu hỏi này, vị thư ký Tòa án giải thích: Người bị hại và người liên quan đều được quyền bồi thường thiệt hại chỉ khác nhau là người bị hại thì được tham gia ý kiến vào bản án, còn người liên quan chỉ được bồi thường theo quyết định của Tòa.

Cáo trạng ghi nhận, về xác định bị hại: Cơ quan điều tra chứng minh được có 30.403 nhà đầu tư mua hơn 391,15 triệu cổ phiếu ROS bán ra lần đầu của Trịnh Văn Quyết. Số cổ phiếu này được Quyết bán ra, thu về hơn 4.818 tỷ đồng, trong khi giá trị vốn góp thực là 1.197 tỷ đồng, giá trị vốn góp khống là 3.102 tỷ đồng. Qua đó, Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt của 30.403 nhà đầu tư nêu trên số tiền 3.621 tỷ đồng.

Các cá nhân này đã bỏ ra số tiền thật, để mua cổ phiếu ROS mà Trịnh Văn Quyết bán ra trên sàn chứng khoán mà không biết số cổ phiếu này đã bị Quyết và đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối để nâng khống giá trị, vì vậy được xác định là bị hại của vụ án.

Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp điều tra, đồng thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đề nghị người bị hại xác minh, khai báo.

Kết quả điều tra xác định, có 133/30.403 bị hại hiện sở hữu 627.090 cổ phiếu ban đầu (hình thành từ vốn khống) với giá trị khi mua hơn 2,2 tỷ đồng. Có 95/133 bị hại có yêu cầu bồi thường với số tiền gần 1,4 tỷ đồng.

Xét xử vụ Trịnh Văn Quyết: Nhiều nhà đầu tư chung câu hỏi 'đâu là người bị hại, đâu là người liên quan?'
Chị Dương (nhà đầu tư đến từ Hà Nội) và anh Phương (nhà đầu tư đến từ Móng Cái)

>> Nhà đầu tư đề nghị ông Trịnh Văn Quyết mua lại cổ phiếu ROS

Người đang nắm giữ cổ phiếu ROS thời điểm hiện tại mới là nạn nhân vụ án

Người hiện tại đang nắm giữ ROS khi cổ phiếu này đang bị đình chỉ giao dịch hơn 2 năm nay được xác định vai trò là gì: Là người có liên quan hay người bị hại? Đây cũng là thắc mắc của nhiều nhà đầu tư khi đến tham dự phiên tòa.

Chị Dương đến từ Minh Khai, Hà Nội, cho biết đang có hơn 100.000 cổ phiếu họ FLC các loại, trong đó có đến 100.000 cổ phiếu ROS. Theo chị Dương, những người nắm cổ phiếu ROS hiện tại mới là người thiệt hại nặng nề nhất, cả về tài chính, thời gian, tinh thần và tiền bạc khi mà ROS bị đình chỉ giao dịch, "om" tiền trong tài khoản đã 2 năm nay.

"Đây mới là những nạn nhân trực tiếp của vụ án", theo chị Dương. Tuy vậy, hiện tại những người này đang chỉ là những người có liên quan trong vụ án.

Ngoài đề nghị được xác định mình với tư cách là bị hại của vụ án, chị Dương cho biết, trong đơn đề nghị gửi lên HĐXX, chị mong muốn Tòa đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc thực hiện bồi thường, thời gian, tiến trình và cách thức được thực hiện sau khi đã ra được bản án.

Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, Trịnh Văn Quyết đã dùng công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian dối, tăng khống vốn chủ sở hữu tại công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo mua, nâng khống vốn điều lệ của Faros và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE, bán hơn 391,15 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.

Trịnh Văn Quyết cũng là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo việc mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán, nâng khống tiền cho các tài khoản để thao túng 5 mã chứng khoán. Theo đó, Quyết đã chỉ đạo Huế mượn giấy tờ của 45 cá nhân là người thân, nhân viên Tập đoàn FLC và các cá nhân khác để lập 20 doanh nghiệp, mở 500 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán, giao Huế quản lý.

Bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán với 5 mã HAI, GAB, ART, FLCROS (chỉ khớp nội nhóm, không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu), tạo cung cầu giả nhằm thu lợi bất chính số tiền hơn 723 tỷ đồng, trong đó phải chịu trách nhiệm hình sự với 4 mã chứng khoán HAI, GAB, ART và FLC, với số tiền thu lợi bất chính là 684 tỷ đồng.

Giúp sức cho Quyết có 3 bị can thuộc Công ty TNHH Kế toán và Kiểm toán Hà Nội và Công ty TNHH Kiểm toán ASC. Các bị can này biết rõ thủ tục kiểm toán và các bằng chứng kiểm toán chưa đầy đủ để làm cơ sở đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần với các báo cáo tài chính của Faros nhưng vẫn chấp thuận toàn phần BCTC kiểm toán trái pháp luật, giúp Trịnh Văn Quyết hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là những người có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc công nhận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán cho công ty Faros. Các bị can này biết rõ hồ sơ của Faros chưa đầy đủ cơ sở vốn thực góp là 4.300 tỷ đồng nhưng vẫn đồng ý chấp thuận cho Faros là công ty đại chúng, đăng ký 430 triệu cổ phiếu ROS, đăng thông tin sai lệch này trên thị trường chứng khoán. Số cổ phiếu này đã được bán cho 30.304 nhà đầu tư trên sàn HoSE.

Có 4 bị can thuộc sàn HoSE, là những người có chức vụ, quyền hạn, biết rõ chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của công ty Faros là 4.300 tỷ đồng theo BCTC kiểm toán. Tuy vậy, bị can Trần Đắc Sinh có quan hệ với Quyết nên đã nhận lời làm nhanh hồ sơ niêm yết của Faros, đồng ý niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên HoSE trái pháp luật.

>> Vụ Trịnh Văn Quyết: Người bị hại lên tiếng tại toà, mở ra hy vọng cho hơn 30.000 nhà đầu tư

Vụ Trịnh Văn Quyết: Một bị cáo chối tội, muốn ‘xin lại’ tiền khắc phục hậu quả

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khai về khối tài sản của mình

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xet-xu-vu-trinh-van-quyet-nhieu-nha-dau-tu-chung-cau-hoi-dau-la-nguoi-bi-hai-dau-la-nguoi-lien-quan-243218.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Xét xử vụ Trịnh Văn Quyết: Nhiều nhà đầu tư chung câu hỏi 'đâu là người bị hại, đâu là người liên quan?'
POWERED BY ONECMS & INTECH