Sau những cuộc đấu giá đất gây chấn động trên thị trường bất động sản, hiện tượng bỏ cọc đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều địa phương.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản “dậy sóng” sau hàng loạt cuộc đấu giá đất trên khắp cả nước. Giá đất liên tục lập kỷ lục mới, đáng chú ý như mức cao nhất lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm. Hay ở các tỉnh thành khác, giá đất cũng tăng gấp 2 – 3 lần so với giá khởi điểm.
Có thể nói các cuộc đấu giá đất tại các địa phương gần đây đã gây nên các cơn "địa chấn" trên thị trường bất động sản.
Đáng nói, sau nhiều cuộc đấu giá đất, có không ít nhà đầu tư bỏ cọc tháo chạy do không đủ tiền để thanh toán theo quy định hoặc “vỡ mộng” khi nhận thấy giá trúng quá cao so với mặt bằng chung của thị trường.
Tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trong năm 2021, có những khu đất đấu giá có giá thu về cao 1,8 lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ cọc lên tới 33%, tức là 1/3 số người đấu giá đã bỏ cọc.
Một loạt các sàn giao dịch, văn phòng môi giới đã mọc lên ngay trên khu đất vừa đấu giá. Các môi giới cho biết, rất nhiều người vừa trúng cọc đã ngay lập tức gửi lô đất tại đây để bán, thu tiền chênh lệch từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng, tùy từng vị trí.
Một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, khi đấu giá đất, có nhiều người không xác định mục tiêu ban đầu là sử dụng đất mà nhằm kinh doanh lấy lời. Do đó, xuất hiện hiện tượng trả giá cao, kỳ vọng lướt sóng trong thời hạn chưa phải nộp tiền. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như mong đợi nên khi đất đấu xong không bán được, mọi người sẽ bỏ cọc.
Không chỉ Bắc Giang, tình trạng bỏ cọc cũng đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành khác như Hà Nội, Thanh Hóa.
Một số ý kiến cũng cho rằng, tần suất các cuộc đấu giá đất tại các địa phương hơi dày dẫn tới hiện tượng: Nhiều nhà đầu tư chỉ chuyên làm công việc đi săn đấu giá đất. Nếu thấy khu này bán lời hơn khu khác, họ sẵn sàng bỏ cọc để chọn khu mới. Trong khi đó, các địa phương mặc dù vẫn thu được những khoản từ việc người đấu giá đặt cọc trước đó, nhưng sẽ phải tổ chức đấu giá lại các lô đất bị bỏ cọc, tức là địa phương sẽ phải trang trải chi phí cho 1 tới 1 vài lần đấu giá nữa, gây lãng phí ngân sách và mất nhiều thời gian, công sức. Chưa kể, giá đất trúng đấu giá liên tục lập kỷ lục kéo theo mặt bằng chung của giá nhà đất tăng, gây khó khăn cho người mua nhà. Các địa phương sắp tới chắc chắn cũng phải "đau đầu" trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho các dự án Nhà nước thu hồi đất.
Theo quy định, người tham giá đấu giá sẽ phải đặt cọc từ 5 - 20% giá khởi điểm. Trước sự nhiễu loạn từ một số cuộc đấu giá, một số địa phương đã nâng lên mức tối đa là 20%. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, mức cọc này vẫn còn thấp. Chính kẽ hở trong quy định của Luật Đấu giá đất hiện nay đã tạo cơ hội cho giá đất bị đẩy lên cao trong các cuộc đấu giá và xuất hiện tình trạng bỏ cọc.
Ông Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH T&P cho biết, hiện nay việc định giá đất là lấy số liệu khoảng hai năm trở về trước mà không phải 2 năm trở về sau (vì chưa có giá xác định). Do vậy, giá khởi điểm thường thấp hơn so với kỳ vọng trong tương lai nên 20 % cọc của giá khởi điểm là cao hay thấp thì cũng phải xem xét.
Liên quan đến vấn đề đấu giá đất, mới đây, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.