Nơi đây có bảy con thác, chảy len lỏi qua những vách đá, sườn núi sừng sững, được che chắn bởi những tán cổ thụ rộng lớn.
Tuyệt Tình Cốc là một địa danh trong truyện kiếm hiệp "Thần điêu đại hiệp" của nhà văn Kim Dung (Trung Quốc). Địa danh này nổi tiếng với vẻ đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh, là thiên đường dưới hạ giới và cũng là nơi chứng kiến câu chuyện tình của Tiểu Long Nữ và Dương Quá.
Dù là một địa danh không có thật nhưng Tuyệt Tình Cốc vẫn được dùng để chỉ những nơi sở hữu vẻ đẹp hữu tình, hoang sơ hiếm có. Thời gian gần đây, có một địa danh chỉ cách Hà Nội khoảng 100km đã khiến nhiều người mê mẩn bởi vẻ đẹp như thế. Nơi được nhắc đến chính là suối Cửa Tử (xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Suối Cửa Tử mang vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên. Ảnh: Trang Sài Gòn Tiếp Thị |
Suối Cửa Tử nằm vắt mình qua phía Đông dãy Tam Đảo, lọt thỏm giữa núi rừng cao vút, bát ngát. Có nhiều cách lý giải khác nhau về cái tên của thác. Người dân bản địa cho biết, sở dĩ thác được gọi là Cửa Tử vì ở đây chỉ có duy nhất một đường lên xuống, nước suối lại cao thấp thất thường theo lượng mưa, ít người có thể khám phá toàn bộ địa danh.
Những người khác lại quan tâm đến câu chuyện lãng mạn, đó là con suối gắn liền với chuyện tình của một đôi trai gái cùng nhau đi ngược dòng, nguyện thề sống chết có nhau. Từ đó họ truyền tai nhau: "Đi vào đó chỉ có đường tử".
Sự hoang sơ chính là điều hấp dẫn nhất tại suối Cửa Tử. Ảnh: Phượng Đi Đâu |
Cửa Tử có bảy con thác hay còn gọi là bảy cửa, chảy len lỏi qua những vách đá, sườn núi sừng sững, được che chắn bởi những tán cổ thụ rộng lớn. Để khám phá con suối, du khách buộc phải trekking (hình thức đi bộ leo núi) qua những phiến đá bám đầy rêu, bơi qua các hồ nước xanh trong, mát lành. Chính vì thế, địa danh này thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, khám phá vào mùa hè.
Các thác nước nằm trong khu vực suối Cửa Tử mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Tuy nhiên, đường vào sâu bên trong khá trơn trượt, ẩm ướt, dòng nước cũng lạnh hơn. Để đảm bảo an toàn, du khách cần chuẩn bị dép rọ, kính bơi, găng tay, tất cao cổ…
Hầu hết khách du lịch chỉ dừng chân tại cửa 1. Ảnh: Quỳnh Như |
Đối với những người lần đầu trekking thì chỉ nên khám phá cửa 1. Nếu muốn đi sâu hơn đến cửa 2 và 3 thì bắt buộc phải có người hướng dẫn vì đường đi khó, người thám hiểm cũng cần có một sức khỏe tốt. Theo hướng dẫn viên, sau khi đi qua cánh rừng thứ nhất tính từ phía đầu suối, du khách sẽ được chứng kiến "kiệt tác" của tự nhiên. Đó là một máng trượt được hình thành do nước chảy đá mòn hàng trăm triệu năm. Quý khách sẽ phải tuân theo quy định an toàn của hướng dẫn viên để trượt thác nước này.
Nơi đây có một vũng nước dài, sâu, nước lạnh và trong chảy giữa hai bên vách đá. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên |
Trong số các thác tại Cửa Tử, thác Thiên Đường được xem là có vẻ đẹp nổi bật nhất. Thác nước có độ cao khoảng 15m, dưới chân thác có hồ nước sâu và rộng, được mệnh danh là Tuyệt Tình Cốc. Nếu muốn trải nghiệm trượt thác và ngâm mình trong làn nước trong xanh, du khách nên mang áo phao (có thể thuê ở những cửa hàng trong vùng). Nước suối Cửa Tử trong vắt, có thể nhìn thấy đáy ngay tại những chỗ sâu nhất.
Du khách tham gia trò chơi tại suối Cửa Tử. Ảnh: Tùng Núi |
Ngoài những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, suối Cửa Tử khiến du khách thích thú bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ, tách biệt với sự ồn ào, khói bụi của cuộc sống đô thị.
Nơi đây thu hút đông đảo du khách đến khám phá, đặc biệt là vào mùa hè. Ảnh: Quỳnh Như, Trần Lê Ngọc Thắng |
Tùy vào số cửa du khách muốn chinh phục, thời gian trekking có thể diễn ra từ 1-3 ngày. Nếu thuê hướng dẫn viên cũng như sử dụng các dịch vụ ăn, nghỉ, chi phí từ 1,5-3 triệu đồng/người.