Doanh nghiệp

Xuất khẩu phân bón 'bật tăng' sau 1 năm 'tụt dốc', nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần

Hoàng Ngân 14/07/2024 - 10:52

Việt Nam đã xuất khẩu gần 173.000 tấn phân bón các loại, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu phân bón của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong tháng 6 vừa qua. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 173.000 tấn phân bón các loại, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 64,26 triệu USD, tăng 55,2%.

Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 900.000 tấn phân bón, tương đương giá trị hơn 360 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Phân bón của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Campuchia (chiếm 27,7% tổng khối lượng), Hàn Quốc (gần 11%) và Malaysia (6,7%).

Đây là tín hiệu đáng mừng sau sự sụt giảm mạnh của năm 2023 khi cả nước xuất khẩu gần 1,55 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 648,9 triệu USD, giá trung bình 419,6 USD/tấn, giảm 11,7% về khối lượng, giảm 40,7% về kim ngạch và giảm 32,9% về giá so với năm 2022.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) báo cáo doanh thu ước đạt gần 29.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, với lợi nhuận ước đạt 815 tỷ đồng. Các đơn vị trong tập đoàn đều có mức tăng lợi nhuận đáng kể như Công ty Cổ phần DAP - Vinachem (DDV) tăng gấp 46 lần, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) tăng gấp 5 lần, và Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng gấp 4 lần.

Xuất khẩu phân bón 'bật tăng' sau 1 năm 'tụt dốc', nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần
Ảnh minh hoạ

>> Khai thác 'mỏ vàng' xuất khẩu mới, các doanh nghiệp mỗi năm mang về 4 tỷ USD cho tỉnh sát vách TP. HCM

Vinachem sẽ triển khai đề án tái cơ cấu tài chính tại ba dự án lớn gồm Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình, Cải tạo và mở rộng Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc, và Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2. Mục tiêu là đưa các dự án này ra khỏi danh sách yếu kém và khởi động dự án muối mỏ ở Lào ngay trong năm nay.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - DPM) cũng ghi nhận sự tăng trưởng với sản lượng sản xuất đạt khoảng 553.000 tấn phân bón và hóa chất, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng phân bón bán ra thị trường đạt gần 695.000 tấn, và sản lượng hóa chất ước đạt 63,6 nghìn tấn, đều vượt kế hoạch năm.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam dự báo thị trường phân u-rê thế giới sẽ trở nên sôi động hơn từ nửa cuối năm nay khi các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu. Các doanh nghiệp ngành phân bón và hóa chất tại Việt Nam đang có cơ hội bứt phá mạnh mẽ khi giá phân u-rê dự kiến sẽ tiếp tục tăng, do tác động từ việc hạn chế nguồn cung của Nga và Trung Quốc.

Theo SSI Research, lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón dự kiến tăng 40% so với cùng kỳ. Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung u-rê trong khu vực đó, tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu u-rê khác, trong đó có Việt Nam.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục tăng trong các quý còn lại của năm 2024. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phân bón như DPM, DCM, BFC, LAS... có nhiều kỳ vọng tăng trưởng mức định giá cao hơn nhờ lợi nhuận tăng mạnh.

>> Sau chuyến khảo sát 1 doanh nghiệp, Singapore muốn nhập trứng và thịt của Việt Nam

Đại biểu Quốc hội: Cần cân nhắc khi áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón

Ngành phân bón thiệt thòi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-phan-bon-bat-tang-sau-1-nam-tut-doc-nhieu-doanh-nghiep-bao-lai-tang-bang-lan-241921.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Xuất khẩu phân bón 'bật tăng' sau 1 năm 'tụt dốc', nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần
POWERED BY ONECMS & INTECH