2 ngày sinh tử của Mark Zuckerberg: CEO Meta từng muốn người dùng xóa hết bạn bè để cứu Facebook
Giữa lúc CEO của Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg đang phải ra toà trong phiên xử vụ kiện tụng liên quan đến cáo buộc chống độc quyền của “công ty mẹ” Facebook, một thông tin bất ngờ vừa được tiết lộ.
Lộ bằng chứng CEO Mark Zuckerberg gợi ý người dùng Facebook nên xóa sạch danh sách bạn bè
Đồng sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Meta, Mark Zuckerberg từng đề xuất ý tưởng xóa toàn bộ danh sách bạn bè của người dùng Facebook nhằm tăng tính hấp dẫn của nền tảng mạng xã hội ăn khách bậc nhất thế giới này.
Thông tin này được tiết lộ trong một email được sử dụng làm bằng chứng trong vụ kiện chống độc quyền lịch sử do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) tiến hành chống lại Meta (công ty chủ quản của Facebook).

FTC đang tìm cách buộc Meta tách khỏi Instagram và WhatsApp, trong khi công ty này cho rằng họ không nắm giữ quyền lực độc quyền trong một thị trường kỹ thuật số cạnh tranh khốc liệt và liên tục thay đổi.
Trang tin Fortune.com cho hay, ông Mark Zuckerberg đã ra tòa làm chứng vào thứ Hai (14/4) trong phiên tòa xét xử chống độc quyền mang tính bước ngoặt liên quan đến “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ Meta.
Nhiều email (thư điện tử) cũ của Zuckerberg đã được đưa ra làm bằng chứng, trong đó có một email từ năm 2022, khi ông chủ Meta đưa ra một chiến lược “điên rồ” nhằm phục hồi mức độ phổ biến đang suy giảm của Facebook: xóa toàn bộ mạng lưới bạn bè của người dùng.
“Phương án 1: Tăng cường tính năng Kết bạn”, CEO Zuckerberg viết trong một tin nhắn năm 2022 gửi đến các Giám đốc cấp cao của Meta. “Một ý tưởng có thể là điên rồ: cân nhắc xóa toàn bộ biểu đồ mạng lưới bạn bè của người dùng và yêu cầu họ bắt đầu cài lại (ứng dụng Facebook) từ đầu”.
Thông điệp này được đưa ra để đối phó với mối lo ngại ngày càng tăng về việc Facebook đang mất dần sự hấp dẫn. CEO Mark Zuckerberg cho rằng công ty của mình có thể hồi sinh mức độ tương tác trên Facebook bằng cách xóa bỏ các kết nối bạn bè hiện có và khuyến khích người dùng xây dựng lại mạng lưới của mình từ đầu.
Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự hoài nghi từ một số người trong chính nội bộ công ty Meta. Tom Alison, người đứng đầu Facebook vào thời điểm đó, cảnh báo rằng động thái này có thể phá hoại các chức năng quan trọng của nền tảng, đặc biệt là trên Instagram.
Ông phản hồi Zuckerberg rằng: “Tôi không chắc Phương án số 1 trong đề xuất của ông (Tăng cường kết bạn) có khả thi hay không, dựa trên hiểu biết của tôi về tầm quan trọng của chức năng kết bạn đối với Instagram”.
Tuy vậy, Zuckerberg tiếp tục theo đuổi ý tưởng này và đặt câu hỏi liệu một sự chuyển đổi từ mô hình dựa trên bạn bè sang mô hình dựa trên người theo dõi có khả thi hay không.
Dù đề xuất này chưa bao giờ được thực hiện, như Zuckerberg đã xác nhận tại tòa hôm 14/4, email nói trên cho thấy Meta thực sự lo ngại về khả năng duy trì sức cạnh tranh trong một môi trường kỹ thuật số không ngừng biến động.
Theo thống kê của trang demandsage.com, tính đến năm 2025, Facebook hiện là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất trên toàn thế giới, với 3,07 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) - cao nhất trong số tất cả các nền tảng xã hội. Con số này chiếm 37,81% dân số toàn cầu và 59,38% tổng số người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới.
Trong khi đó, theo tạp chí Forbes, tính đến tháng 3 năm 2025, giá trị tài sản ròng ước tính của CEO Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg là 214,1 tỷ USD, giúp vị doanh nhân 40 tuổi này trở thành người giàu thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Elon Musk và đứng trước Jeff Bezos.
>> 3 tỷ phú vừa dự lễ nhậm chức của ông Trump 'bốc hơi' hơn 75 tỷ USD
Hé lộ “góc khuất” ở phiên tòa xét xử vụ kiện chống độc quyền của Meta
Một email nội bộ khác do CEO Meta Mark Zuckerberg viết vào năm 2008 là trọng tâm của vụ kiện chống độc quyền đang diễn ra. Trong đó, ông viết: “Mua lại thì tốt hơn là cạnh tranh”.
Phiên tòa, bắt đầu từ thứ Hai (14/4) và kéo dài 2 ngày, là kết quả của quá trình điều tra kéo dài nhiều năm về các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp của Meta. FTC cáo buộc rằng công ty Meta đã mua lại các nền tảng đối thủ để loại bỏ cạnh tranh và thiết lập thế độc quyền bất hợp pháp trong thị trường mạng xã hội. Nếu thua kiện, “gã khổng lồ công nghệ” đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại thành phố Menlo Park, bang California có thể buộc phải tách Instagram và WhatsApp ra khỏi tập đoàn này.

Meta khẳng định bối cảnh cạnh tranh hiện nay đã thay đổi đáng kể và công ty hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ mạnh như TikTok, YouTube, iMessage và nhiều nền tảng khác.
“Bằng chứng tại tòa sẽ cho thấy điều mà mọi thanh thiếu niên 17 tuổi trên thế giới đều biết: Instagram, Facebook và WhatsApp đang cạnh tranh với TikTok của Trung Quốc, YouTube, X (tên cũ là Twitter), iMessage và nhiều cái tên khác. Hơn 10 năm sau khi FTC xem xét và phê duyệt các thương vụ mua lại của chúng tôi, hành động lần này của Ủy ban đã gửi đi thông điệp rằng không có thương vụ nào là thực sự dứt điểm.
Các cơ quan quản lý nên ủng hộ sự đổi mới của nước Mỹ, thay vì tìm cách chia tách một công ty Mỹ vĩ đại và vô tình trao thêm lợi thế cho Trung Quốc về những vấn đề then chốt như trí tuệ nhân tạo”, Meta cho biết trong một tuyên bố.
Các chuyên gia cho rằng FTC sẽ gặp nhiều khó khăn để chứng minh vụ kiện, viện dẫn một tài liệu nộp lên tòa gần đây trong đó Meta nhấn mạnh rằng FTC phải chứng minh công ty đang nắm quyền lực độc quyền trong thị trường hiện tại, chứ không phải dựa trên tình hình của nhiều năm trước.
Đây có thể là rào cản lớn cho cơ quan quản lý vì bối cảnh cạnh tranh đã thay đổi đáng kể kể từ khi Meta mua lại WhatsApp và Instagram, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ mới như TikTok.
Rủi ro đối với Meta vẫn rất lớn, vì nếu bị buộc phải tách khỏi Instagram, doanh thu từ quảng cáo của công ty này có thể sụt giảm đến 50%.
Đại diện Meta hiện chưa đưa ra bình luận khi được tờ Fortune liên hệ ngoài giờ làm việc.
Theo Fortune.com/Yahoo! News
Công an bắt giữ Trương Vô Kỵ vì buôn bán súng, đăng bài chia sẻ lên nhiều hội nhóm Facebook
Tỷ phú thế giới 'đánh rơi' 208 tỷ USD chỉ sau 1 đêm, CEO Meta mất nhiều tiền nhất