Thế giới

Trung Quốc đột ngột cho nổ 300 đập, đóng cửa hàng trăm trạm thủy điện: Chuyện gì xảy ra?

Kiều Trang 11/07/2025 14:34

Giới khoa học kỳ vọng cá tầm khổng lồ – “gã khổng lồ cuối cùng” của dòng sông – cùng nhiều loài quý hiếm khác sẽ quay lại sinh sản.

Trung Quốc đã phá bỏ 300 con đập và đóng cửa phần lớn các trạm thủy điện nhỏ trên một nhánh chính ở thượng nguồn sông Dương Tử nhằm bảo vệ quần thể nước ngọt, trong khuôn khổ một nỗ lực quy mô lớn nhằm phục hồi hệ sinh thái của con sông dài nhất châu Á.

Theo báo chí Trung Quốc đưa tin ngày thứ Hai, tính đến cuối tháng 12/2024, 300 trong tổng số 357 đập trên sông Xích Thủy đã được tháo dỡ. Bên cạnh đó, 342 trong số 373 trạm thủy điện nhỏ đã bị ngừng vận hành, cho phép nhiều loài cá quý hiếm được nối lại chu kỳ sinh sản tự nhiên.

Sông Xích Thủy chảy dài hơn 400km qua ba tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc gồm Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên. Theo đánh giá của giới sinh thái học, đây là nơi trú ngụ cuối cùng của nhiều loài cá đặc hữu và đang nguy cấp ở thượng nguồn sông Dương Tử.

dam.jpg
(Ảnh: SCMP)

Trong nhiều thập kỷ, lưu lượng nước trên sông bị suy giảm nghiêm trọng do hệ thống đập và trạm thủy điện dày đặc, làm giảm mực nước ở hạ lưu, thậm chí khiến một số đoạn sông cạn khô hoàn toàn. Tình trạng này đã làm suy giảm đáng kể diện tích môi trường sống thích hợp và khu vực sinh sản của các loài cá, đồng thời ngăn cản đường di cư sinh sản giữa các vùng cư trú khác nhau.

Theo giáo sư Châu Kiến Quân từ Đại học Thanh Hoa, “việc đóng cửa các trạm thủy điện không chỉ đơn thuần là ngừng phát điện, mà quan trọng hơn là điều chỉnh lại cách thức kiểm soát dòng chảy để đáp ứng nhu cầu sinh thái”.

Báo cáo của Tân Hoa Xã cho biết, nhờ công tác chỉnh đốn quy mô lớn bắt đầu từ năm 2020, các loài động vật thủy sinh – trong đó có cá tầm Dương Tử – đã dần khôi phục môi trường sống và sức sống sinh học.

Cùng với cá kiếm Trung Quốc, cá tầm – loài cá được mệnh danh là “gã khổng lồ cuối cùng” của sông Dương Tử – đã bị Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tuyên bố tuyệt chủng ngoài tự nhiên vào năm 2022. Số lượng cá tầm tự nhiên đã sụt giảm mạnh từ thập niên 1970, chủ yếu do sự phát triển của các con đập và ngành vận tải thủy trên sông Dương Tử. Từ năm 2000, không còn ghi nhận bất kỳ cá tầm non nào sinh sản tự nhiên trong toàn lưu vực sông.

Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, nhóm nghiên cứu do ông Lưu Phi – nhà khoa học tại Viện Thủy sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc – dẫn đầu đã phát hiện những tín hiệu hồi phục khả quan. Nhóm đã thả hai đợt cá tầm Dương Tử xuống sông Xích Thủy vào năm 2023 và 2024. Cả hai đợt cá đều thích nghi tốt và sinh trưởng mạnh trong môi trường hoang dã.

Năm nay, nhóm tiếp tục tiến thêm một bước, thử nghiệm khả năng di cư sinh sản tự nhiên của loài cá này. Vào tháng 4, họ thả 20 cá thể cá tầm trưởng thành xuống một đoạn sông tại Quý Châu. Đến giữa tháng 4, nhóm ghi nhận hành vi sinh sản tự nhiên và sự nở thành công của các cá con.

“Thành công này cho thấy hệ sinh thái hiện tại của sông Xích Thủy đã đáp ứng được các điều kiện về môi trường sống và sinh sản cho cá tầm Dương Tử”, ông Lưu chia sẻ với Tân Hoa Xã.

dam-2.jpg
Một tàu nghiên cứu chở cá tầm Dương Tử bố mẹ đến điểm thả trên một đoạn sông thuộc tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc vào ngày 3/4. (Ảnh: SCMP)

Kết quả giám sát mới nhất từ viện nghiên cứu cho thấy, đa dạng sinh học thủy sinh tại sông Xích Thủy đang được cải thiện đáng kể, với số lượng loài cá thu được ở nhiều khu vực trên sông gia tăng rõ rệt.

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách nhằm bảo vệ vai trò sống còn của Dương Tử với hệ sinh thái thủy sinh, trong đó nổi bật là lệnh cấm đánh bắt kéo dài 10 năm ban hành từ năm 2020 và các quy định về việc điều chỉnh hoạt động của các trạm thủy điện nhỏ – vốn bị cho là làm suy giảm đa dạng sinh học.

Chẳng hạn, đến cuối năm 2021, tỉnh Tứ Xuyên đã hoàn tất chỉnh lý 5.131 trạm thủy điện nhỏ, bao gồm việc đóng cửa 1.223 trạm, theo báo cáo của chính quyền địa phương năm sau đó. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng nghiêm cấm việc khai thác cát tại các con sông, nhằm tạo điều kiện sinh sản thuận lợi hơn cho động vật thủy sinh.

Một thông báo công bố vào tháng 8 năm ngoái cho biết, từ khi thực hiện lệnh cấm đánh bắt và các biện pháp liên quan, đa dạng sinh học dưới nước đã được cải thiện đều đặn. Quần thể cá, động vật không xương sống và lưỡng cư đã phục hồi, trong khi chất lượng nước tại sông Dương Tử và các phụ lưu được đánh giá là “xuất sắc”. Cường độ của các hoạt động khai thác cát và các dự án gây ảnh hưởng đến nghề cá cũng đã giảm đáng kể.

Theo SCMP

>> Vượt Mỹ, láng giềng Việt Nam thành công cấy chip vào não ong, tạo đột phá vũ khí sinh học

Huy động nhân công, nhà thầu Trung Quốc xây dựng siêu công trình cầu đường sắt giữa vách núi dốc đứng gây ngỡ ngàng

Bê bối 500 tấn cá hồi Na Uy: Cá chết buộc phải tiêu hủy nhưng lại được tuồn ra thị trường suốt nhiều năm, người tiêu dùng bàng hoàng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/trung-quoc-dot-ngot-cho-no-300-dap-dong-cua-hang-tram-tram-thuy-dien-chuyen-gi-xay-ra-146572.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trung Quốc đột ngột cho nổ 300 đập, đóng cửa hàng trăm trạm thủy điện: Chuyện gì xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH