Năm 2023 là một năm khó khăn đối với thép Việt Nam, khác với các doanh nghiệp cùng ngành, Hoa Sen (HSG) vẫn lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông dù chỉ ở mức thấp.
Thép Hoa Sen
Theo thông tin mới nhất được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) công bố, CTCP Tập đoàn Hoa Sen - Hoa Sen Group (HSG) sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức niên độ tài chính 2022 - 2023 vào ngày 25/4 tới, tương đương ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 24/4.
Năm 2023, Hoa Sen quyết định tỷ lệ chi trả là 5% bằng tiền mặt, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Ngày thanh toán là ngày 10/5/2024. Với gần 616 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Hoa Sen sẽ cần chi khoảng 308 tỷ đồng để trả cổ tức.
Đáng chú ý, Hoa Sen vẫn quyết định chia cổ tức ở mức thấp dù niên độ tài chính 2022 - 2023, doanh nghiệp chỉ lãi 30,06 tỷ đồng, hoàn thành 30% so với kế hoạch thận trọng là 100 tỷ đồng và 10% so với kế hoạch tích cực là 300 tỷ đồng.
Với niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/10/2023 - 30/9/2024), Hoa Sen lên hai kịch bản:
Kịch bản 1 là sản lượng tiêu thụ hơn 1,62 triệu tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ; doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4%; lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với thực hiện trong niên độ 2022 - 2023.
Với kịch bản 2, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính hơn 1,73 triệu tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ; doanh thu 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7%; lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, gấp 16 lần.
Thép Hòa Phát
Sáng ngày 11/4 vừa qua, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2024 với 353 cổ đông tham dự trong tổng số gần 166.000 cổ đông của doanh nghiệp.
Theo đó, Hòa Phát tiếp tục không chia cổ tức năm 2023 bằng tiền và thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Cụ thể, Hòa Phát sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ thặng dư vốn cổ phần 3.212 tỷ đồng và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với giá trị 2.603 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý II/2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Về mục tiêu kinh doanh, năm 2024, Hòa Phát lên kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.
Hòa Phát đang có sản lượng thép lớn nhất Việt Nam |
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, CTCP Thép Nam Kim (NKG) lên kế hoạch tổng sản lượng thép đạt 1 triệu tấn; mục tiêu doanh thu đạt 21.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 420 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 137% so với năm 2023.
Nam Kim dự kiến trình ĐHĐCĐ không chi trả cổ tức năm 2023 do tình hình kinh doanh còn gặp nhiều biến động. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty.
Ngoài ra, Thép Nam Kim dự kiến trình phương án chào bán tối đa 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 12.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới.
Nếu chào bán thành công, Nam Kim dự kiến thu về 1.580 tỷ đồng và sẽ góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thép VNSteel
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tổng Công ty Thép Việt Nam- VNSteel (UPCoM: TVN), năm 2024, doanh nghiệp đề xuất trích quỹ và chuẩn bị nguồn tài chính lớn để thực hiện các hạng mục đầu tư. Do đó, Hội đồng quản trị đề xuất không chia cổ tức. Số lợi nhuận sau thuế còn lại, sau khi trích các quỹ dùng để tích lũy cho đầu tư phát triển.
Năm 2024, VNSteel đề ra mục tiêu tổng doanh thu là 31.500 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm ngoái. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 120 tỷ, trong khi năm 2023 lỗ 252 tỷ đồng.
>> 4 công ty bảo hiểm công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông từ 10-32%
Nhựa Bình Minh chốt trả cổ tức tỷ lệ 126% bằng tiền, BMP bật tăng trần xác lập đỉnh lịch sử
2 doanh nghiệp thép đầu tiên công bố KQKD: Bên lợi nhuận giảm 78%, bên lãi tăng gấp 7 lần