Các thực phẩm dưới đây có khả năng kiểm soát đường huyết hiệu quả và an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường.
Một chế độ ăn bao gồm các loại rau lành mạnh có thể giúp điều chỉnh lượng insulin trong máu, qua đó góp phần hạ đường huyết. Dưới đây là 5 loại rau có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường:
Mướp đắng
Mướp đắng chứa các hợp chất như charantin, vicine và polypeptide-p, có khả năng giúp hạ đường huyết. Những hợp chất này hoạt động bằng cách tăng cường chuyển hóa glucose và kích thích tiết insulin. Các nghiên cứu cho thấy mướp đắng có thể cải thiện độ nhạy insulin, giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người mắc tiểu đường type 2.
Loại quả này cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm stress oxy hóa, một yếu tố góp phần vào biến chứng của bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, mướp đắng cũng ít calo và giàu chất xơ, giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát cân nặng, một yếu tố quan trọng trong việc quản lý bệnh.
Bằng cách duy trì mức đường huyết ổn định và giảm stress oxy hóa, mướp đắng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh và tổn thương thận.
Đậu bắp
Đậu bắp chứa các chất xơ hòa tan và chất nhầy, giúp làm chậm quá trình hấp thu đường trong ruột, từ đó giúp kiểm soát mức đường huyết sau bữa ăn.
Đậu bắp cũng rất giàu chất chống oxy hóa như flavonoid, quercetin và polyphenol, giúp giảm stress oxy hóa và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường.
Chất xơ trong đậu bắp không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và duy trì cân nặng hợp lý.
Súp lơ
Súp lơ chứa nhiều chất xơ, giúp làm chậm quá trình hấp thu đường trong ruột, từ đó giúp kiểm soát mức đường huyết. Súp lơ giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, beta-carotene và quercetin, giúp giảm stress oxy hóa và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do.
Súp lơ cũng chứa các hợp chất chống viêm, giúp giảm viêm nhiễm, một vấn đề thường gặp ở người bệnh tiểu đường và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Loại rau này còn có khả năng giảm mức cholesterol xấu (LDL) trong máu, từ đó giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Súp lơ cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin K, vitamin B6, folate và kali, hỗ trợ sức khỏe tổng thể và tăng cường hệ miễn dịch.
Cà chua
Cà chua có chỉ số đường huyết thấp, phù hợp với bữa ăn của người bệnh tiểu đường. Chất xơ trong cà chua cũng giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.
Cà chua giàu lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và hỗ trợ điều hòa đường huyết.
Dưa chuột
Dưa chuột có chỉ số đường huyết thấp và chứa nhiều nước, giúp kiểm soát mức đường huyết. Chất xơ trong dưa chuột giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.
Dưa chuột ít calo và giàu chất xơ, giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa táo bón và duy trì sức khỏe đường ruột.
Trong loại quả này chứa các chất chống oxy hóa như beta-carotene, flavonoid và vitamin C, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do, giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường. Ngoài ra, đây cũng là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin K, vitamin C, kali và magie, giúp duy trì sức khỏe tổng thể và hỗ trợ hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn uống để đảm bảo các loại thực phẩm trên được sử dụng phù hợp với tình trạng sức khỏe và không gây tương tác với các loại thuốc đang sử dụng.
Tổng hợp: Times of India, Eating Well, Eat this Not that
'3 ít' cho bữa tối giúp cơ thể tránh xa bệnh nan y, thừa cân, béo phì