Công nghệ

5 năm sau khi bị Shark Bình vỗ thẳng mặt 'người ta không mua xe của em đâu', Dat Bike kinh doanh ra sao?

Khương Lê 01/09/2024 08:14

Sự phát triển của Dat Bike đã chứng minh rằng người giàu không phải lúc nào cũng đúng, còn cá mập không phải lúc nào cũng là những kẻ săn mồi xuất sắc nhất!

Ngày 26/8, startup xe máy điện Dat Bike của Việt Nam thông báo gọi vốn thành công 4 triệu USD (hơn 99 tỷ đồng) từ InfraCo Asia, thành viên của Tập đoàn phát triển hạ tầng tư nhân PIDG, dưới hình thức khoản vay chuyển đổi.

Với nguồn vốn mới, Dat Bike dự định triển khai hơn 30.000 xe máy điện trong 2 năm tới.

“Dat Bike sẽ tăng tốc mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao về xe máy điện tại Việt Nam,” ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập Dat Bike, chia sẻ và nhấn mạnh tiềm năng của chuỗi cung ứng xe điện tại Việt Nam.

Dat Bike được thành lập vào đầu năm 2019, phát triển xe máy điện với hơn 90% linh kiện sản xuất trong nước, định vị sản phẩm hiệu suất cao với giá thành hợp lý. Mặc dù còn non trẻ, tổng số vốn startup huy động được đến thời điểm hiện tại vượt trên 25 triệu USD (hơn 620 tỷ đồng).

5 năm sau khi bị Shark Bình vỗ thẳng mặt 'người ta không mua xe của em đâu', Dat Bike kinh doanh ra sao?
Shark Nguyễn Hòa Bình và CEO Dat Bike - Nguyễn Bá Cảnh Sơn trong Shark Tank mùa 3. Ảnh: Chương trình Shark Tank

"Đây (xe máy điện) là xu hướng, nhưng người ta sẽ không mua xe của em đâu... Những gì em đang làm về mặt kinh doanh, về mặt thị trường hơi sai, nhầm thời điểm, nhầm sản phẩm, anh còn chưa nói đến định giá và mọi thứ. Anh khuyên em hãy nên làm một cái gì đó khác”.

Nguyễn Bá Cảnh Sơn – CEO Dat Bike có lẽ không thể quên những lời nhận xét thẳng thắn phía trên của Chủ tịch Nexttech – Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) khi anh đưa sản phẩm xe điện lên Shark Tank Việt Nam năm 2019 gọi vốn.

Thời điểm đó, với mức giá 39,9 triệu đồng và thiết kế thể thao, tương lai của Dat Bike còn là một dấu hỏi lớn. Trong khi Shark Nguyễn Thanh Việt cho rằng "xe điện Dat Bike nguy hiểm" thì Shark Bình đánh giá startup đang tạo ra một sản phẩm mà chưa chắc người tiêu dùng đã cần, có cũng được, không có cũng được.

Một số nhận định ngoài chương trình lại cho rằng xe điện của Dat Bike chỉ dành cho phân khúc khách hàng hẹp và cơ hội mở rộng không khả quan.

Bất chấp mọi nghi kỵ, CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn vẫn kiên định theo con đường đã chọn. Từ năm 2019 đến 2021, chỉ 2 năm sau khi tham gia Shark Tank, Dat Bike bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, doanh thu tăng 4.000% và sản lượng bán hàng tăng 35% mỗi tháng. Cuối năm 2022, doanh thu tăng gấp 10 lần so với năm trước, tổng số vốn huy động lên đến 16,5 triệu USD, định giá chạm 32 triệu USD, theo ước tính của Venture Cap Insights.

Tháng 3/2023, Dat Bike trở thành 1 trong 9 dự án được Chính phủ Anh chọn tham gia chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu trị giá 11,8 triệu bảng (14,5 triệu USD). Startup này đặt mục tiêu doanh số tăng gấp 10 lần mỗi năm đồng thời có kế hoạch mở rộng sang Indonesia.

Trong vòng 5 năm từ khi ra đời, Dat Bike ra mắt 4 mẫu xe mới, mỗi mẫu thiết kế mang lại giá trị thực tiễn và tăng trưởng cho doanh nghiệp. Dòng xe Weaver cá tính của ngày đầu thu hút vì vẻ độc, lạ nhưng chính sự ra đời của Quantum – chiếc xe máy điện scooter đầu tiên – giúp hãng đến gần hơn với đông đảo khách hàng.

Với các bản cập nhật firmware (phần mềm tích hợp vào phần cứng của thiết bị để điều khiển và quản lý hoạt động) liên tục và cải tiến sản phẩm, Dat Bike chứng minh chiến lược độc đáo và hiệu quả, giúp người dùng tiếp cận công nghệ tiên tiến. Công ty xây dựng hệ thống tích hợp theo chiều dọc, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ nghiên cứu, phát triển đến lắp ráp xe.

5 năm sau khi bị Shark Bình vỗ thẳng mặt 'người ta không mua xe của em đâu', Dat Bike kinh doanh ra sao?
Ảnh: Internet

Sau khi đóng cửa mặt bằng tại Giảng Võ, Dat Bike chỉ còn một cơ sở ở Hà Nội (186 Trương Định, quận Hai Bà Trưng) bên cạnh một cửa hàng tại Đà Nẵng và ba cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh.

Pháp nhân đứng sau Dat Bike được thành lập ở nước ngoài, thông tin theo tiết lộ của Shark Phạm Thanh Hưng. Đây cũng là lý do khiến Shark Hưng từ chối đầu tư dù đã cam kết trên truyền hình.

“Trước đây tôi có cam kết đầu tư vào Dat Bike, nhưng deal đó không tiến hành được do công ty thành lập ở nước ngoài. Thủ tục xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài quá phức tạp, và số phần trăm cũng rất nhỏ, nên tôi không theo nữa”, Shark Hưng cho biết trong video phỏng vấn hậu trường chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6.

Pháp nhân tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dat Bike Việt Nam, được thành lập cuối năm 2018, vốn điều lệ mới nhất (thay đổi từ tháng 6/2021) là 10 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của Dat Bike Việt Nam là CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn.

>> Du học sinh Mỹ 18 tuổi được Shark Bình chia sẻ: Startup ‘con nhà giàu’ vượt sướng đáng khâm phục hơn ‘con nhà nghèo’ vượt khó

Thêm một quốc gia nối bước Mỹ áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc

Doanh số tăng không đủ bù lỗ, xe điện Trung Quốc lao đao trước ‘cơn bão giảm giá’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/5-nam-sau-khi-bi-shark-binh-vo-thang-mat-nguoi-ta-khong-mua-xe-cua-em-dau-dat-bike-kinh-doanh-ra-sao-246912.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    5 năm sau khi bị Shark Bình vỗ thẳng mặt 'người ta không mua xe của em đâu', Dat Bike kinh doanh ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH