90.000 tỷ bất động sản 'kẹt' trong đại án Vạn Thịnh Phát: Luật sư kiến nghị lập Hội đồng đặc biệt giải cứu
TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, đã đến lúc Luật Thi hành án dân sự cần một “cuộc đại phẫu” thực sự, để không còn tình trạng tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng tài sản nằm bất động vì những lỗ hổng kỹ thuật và pháp lý.
>>>Nghị quyết 68 và cuộc đại phẫu bất động sản: Không còn chỗ cho doanh nghiệp 'ăn xổi'
Chênh lệch định giá: cùng tài sản, lệch... cả nghìn tỷ
"Nếu không có cơ chế đặc biệt để xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế lớn, chúng ta sẽ mất đi hàng chục ngàn tỷ đồng nguồn lực, thậm chí tạo ra các hệ lụy pháp lý kéo dài, gây thiệt hại kép cho Nhà nước và xã hội", TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, sáng 14/5.
Gợi mở từ đại án Vạn Thịnh Phát – nơi khối tài sản bị kê biên, phong tỏa lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm hàng loạt bất động sản tại khu trung tâm TP.HCM như Empire City Thủ Thiêm, khách sạn Majestic, cùng hàng chục lô "đất vàng" đang dở dang hoặc bỏ hoang, ông Hoài cho rằng, một trong những bất cập nổi bật chính là thời điểm định giá tài sản và hiệu lực của chứng thư thẩm định giá.
![]() |
Hàng chục nghìn tỷ đồng tài sản, chủ yếu là bất động sản, đang bị "đóng băng" trong các vụ đại án kinh tế như Vạn Thịnh Phát, gây ách tắc thi hành án và nguy cơ thất thoát lớn cho Nhà nước. |
>>> 'Doanh nhân không sợ ổ gà, chỉ sợ luật chơi không rõ ràng'
Theo quy định hiện hành, chứng thư định giá chỉ có hiệu lực trong 6 tháng, trong khi quá trình thi hành án có thể kéo dài hàng năm vì kháng cáo, chống đối, hoặc thủ tục phức tạp. Hệ quả là có những tài sản buộc phải định giá lại nhiều lần, hoặc tệ hơn là bị sử dụng chứng thư cũ đã hết hạn, kéo theo rủi ro pháp lý cao.
Ông Hoài còn cảnh báo về thực trạng chênh lệch định giá giữa các công ty thẩm định. Có trường hợp một tài sản được hai đơn vị định giá chênh nhau tới gần 1.500 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến cả trách nhiệm hình sự lẫn giá trị tài sản được đưa ra đấu giá. Những chênh lệch này xuất phát từ việc thiếu tiêu chuẩn thống nhất trong phương pháp định giá, nhất là với bất động sản, loại tài sản có giá trị lớn và biến động mạnh theo thị trường.
Chưa kể, dữ liệu dùng để định giá thường được thu thập từ nguồn không chính thống như internet, báo chí... khiến tính pháp lý của kết quả trở nên mong manh. Một số tài sản quan trọng như cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai cũng thường bị bỏ quên vì chưa đủ cơ sở pháp lý như trong một vụ án lớn gây thiệt hại cho ngân hàng, khiến hàng trăm tỷ không được xem xét bồi thường.
Kiến nghị Hội đồng đặc biệt xử lý tài sản đại án
Từ thực tiễn nói trên, ông Hoài đề xuất thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án đối với các vụ đại án kinh tế, tham nhũng, một thiết chế liên ngành có đủ chức năng tư vấn, thẩm định, phối hợp với các cơ quan như tòa án, thi hành án, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... để tháo gỡ nút thắt pháp lý và khơi thông dòng tài sản đang bị “đóng băng”.
Nhìn từ vụ án Vạn Thịnh Phát, nơi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thu hồi tài sản, cho thấy hiệu quả khi có cơ chế đặc biệt để xử lý các khối tài sản lớn và phức tạp.
![]() |
Ông Hoài cho rằng, cần thiết phải thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án liên ngành, có đủ thẩm quyền pháp lý, chuyên môn và khả năng điều phối liên cơ quan, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong khâu xử lý tài sản sau xét xử. Ảnh: VTC News. |
Từ đó, ông đề xuất 4 nhóm kiến nghị trọng tâm:
Thứ nhất, cần ấn định rõ thời điểm định giá tài sản, không thể để mỗi nơi một kiểu, mỗi vụ một thời điểm. Theo ông, thời điểm tài sản bị xâm phạm nên là mốc chuẩn, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị buộc tội, tránh tình trạng tài sản bị “định giá muộn”, gây thiệt hại kép.
Thứ hai, quy trình định giá phải được chuẩn hóa và minh bạch. Các dữ liệu sử dụng phải là thông tin chính thống, có hệ thống và có thể kiểm chứng, thay vì phụ thuộc vào “tin rao vặt” trên mạng hay giá tham khảo thiếu căn cứ.
Thứ ba, cần bổ sung quy định riêng cho các loại tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản hay tài sản hình thành trong tương lai. “Không thể vì thiếu cơ sở pháp lý mà bỏ quên những khối tài sản trị giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng trong quá trình thi hành án”, ông cảnh báo.
Cuối cùng, gia hạn hiệu lực của chứng thư định giá là việc bắt buộc, nhất là trong các vụ án có yếu tố phức tạp hoặc thời gian giải quyết kéo dài. Một chứng thư định giá chỉ sống được 6 tháng, trong khi quá trình thi hành án kéo dài 1–2 năm, rõ ràng là một bất cập nghiêm trọng cần được điều chỉnh.
“Định giá tài sản không chỉ là thao tác kỹ thuật, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên, kết quả xét xử và khả năng thu hồi tài sản cho Nhà nước. Nếu tiếp tục để tình trạng lúng túng, chắp vá, sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng và kéo theo làn sóng khiếu kiện, mất niềm tin vào công lý và nền tư pháp”, ông Hoài nhấn mạnh.
>>>Tiết kiệm 10% chưa giúp bạn giàu: Chuyên gia chỉ cách tích lũy 70% để đầu tư hiệu quả