Quốc tế

Sự trỗi dậy của Big4 ở cường quốc số 1 Trung Đông: Phép màu kinh tế hay thâu tóm quyền lực?

Vũ Bấc 14/05/2024 - 15:49

Kế hoạch nhằm đưa kinh tế đất nước Ả Rập Xê Út thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ lại đưa đến sự phụ thuộc vào các công ty tư vấn như Big 4, MBB (McKinsey, BCG, Bain).

Vương quốc Ả Rập Xê Út đang trải qua một thời kỳ cải cách kinh tế toàn diện. “Tầm nhìn 2030”, kế hoạch cải cách kinh tế và xã hội đầy tham vọng do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng năm 2016, nhằm mục đích đa dạng hóa nền kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, đang thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và tạo ra một xã hội sôi động dựa trên tri thức tại vùng đất Trung Đông trước giờ chỉ được biết đến nhờ sự “thịnh vượng dầu mỏ”.

Sự trỗi dậy của các công ty tư vấn ở cường quốc số 1 Trung Đông: Phép màu kinh tế hay thâu tóm quyền lực?
"Tầm nhìn 2030" - kế hoạch cải tổ kinh tế đang giúp Ả Rập Xê Út dần thoát khỏi cái bóng "chỉ là một cường quốc dầu mỏ Trung Đông"

Tuy vậy, việc học hỏi và áp dụng các mô hình kinh tế mới đã đưa vai trò của các công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp lên một tầm cao mới, đến một mức độ gây nên sự bất an đối với các nhà quản lý kinh tế tại quốc gia này.

Vào năm 2022, Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê Út đã nói thẳng với truyền thông rằng ông “hoàn toàn mất kiên nhẫn” đối với các nhà tư vấn quản lý, những người gần như không thể thiếu đối với các dự án của Bộ Năng lượng nước này.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, anh trai cùng cha khác mẹ của Thái tử Mohammed bin Salman, phàn nàn trong một cuộc nói chuyện ở Riyadh vào tháng 11/ 2022: “Thể chế này không có những cán bộ mẫn cán để giữ cho kế hoạch được thực hiện bền vững”.

Trong phần lớn lịch sử của mình, các hoạt động và kế hoạch của Bộ Năng lượng đều dựa vào sự kết hợp giữa các nhân viên được biệt phái từ công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco và các công ty tư vấn trực thuộc. Cho đến nay, nhiều quan chức chính phủ lo ngại các Bộ ban ngành của Ả Rập Xê Út quá phụ thuộc vào những gã khổng lồ tư vấn phương Tây, từ Big4 (Deloitte, EY, KPMGPwC) cho đến các công ty tư vấn chiến lược chuyên môn hơn.

Sự bất bình ở cường quốc dầu mỏ về vai trò càng lớn của những người ngoài trong việc điều hành đất nước đang lớn dần. Một chuyên gia Ả-rập Xê-út từng làm việc trong chính phủ và một công ty tư vấn hàng đầu cho biết: “Tôi sẽ tham dự rất nhiều cuộc họp mà Bộ trưởng X hoặc Thứ trưởng X trình bày chiến lược. Và điều đầu tiên họ sẽ nói là: Thưa quý vị, tôi muốn cho bạn biết rằng công ty tư vấn Y đã chuẩn bị bài thuyết trình này. . . Các bộ ban ngành thậm chí còn không sở hữu các công ty này để giao hết các việc nhỏ nhất đến lớn nhất cho họ.”

Việc sử dụng các chuyên gia tư vấn của Ả Rập Xê Út trở thành xu hướng, rồi một điều tất yếu, kể từ khi Thái tử (nguyên thủ quốc gia của Ả Rập Xê Út), khởi động một chương trình đầy tham vọng vào năm 2016 nhằm lèo lái nền kinh tế lớn nhất Trung Đông thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Để đáp ứng thời hạn khắt khe và giải quyết những thách thức mới, từ việc tạo ra một địa điểm du lịch trên Biển Đỏ đến xây dựng ngành công nghiệp công nghệ cao, các Bộ ban ngành của Ả Rập Xê Út đã tranh thủ thêm sự trợ giúp từ các công ty tư vấn nước ngoài đầy danh tiếng bao gồm McKinsey, Boston Consulting Group (thuộc nhóm MBB) và PwC Strategy từ Big 4.

Điều đó đã giúp thị trường ngành tư vấn doanh nghiệp của vương quốc này tăng lên mức kỷ lục 3 tỷ USD vào năm ngoái, gần bằng quy mô của Thụy Sĩ. Cơ quan nghiên cứu thị trường toàn cầu Source Global Research dự kiến ​​thị trường này sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh chóng.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Ả Rập Xê Út và các công ty tư vấn chiến lược (hầu hết có trụ sở tại Mỹ) đã bị các nhà quản lý thị trường của Washington điều tra và giám sát. Những người đứng đầu McKinsey và BCG, cũng như công ty tư vấn quan hệ công chúng Teneo và nhà giao dịch Michael Klein, được triệu tập để làm việc và cung cấp thông tin bắt buộc trước Quốc hội Mỹ vào năm ngoái.

Công chúng Ả Rập Xê Út phàn nàn về việc các Bộ của nước này chi tiêu quá nhiều cho các chuyên gia nước ngoài, đến nỗi chính quyền giờ đây chỉ đơn giản là “cỗ máy mời thầu” (RFP), ám chỉ việc gì cũng đến tay các công ty tư vấn đấu thầu thâu tóm.

Trong khi Big 4 có xu hướng nỗ lực thực hiện các dự án lớn của Chính phủ, thì các thực thể như Quỹ đầu tư công và các cơ quan Chính phủ khác thường tìm đến các “công ty chiến lược” của Hoa Kỳ như BCG và McKinsey để tìm ý tưởng - bao gồm cả về địa điểm và cách thức đầu tư.

Sự trỗi dậy của các công ty tư vấn ở cường quốc số 1 Trung Đông: Phép màu kinh tế hay thâu tóm quyền lực?
Nhiều nhà báo Trung Đông còn gọi các công ty tư vấn của Big 4 hay McKinsey là "cánh tay nối dài" của Chính phủ Ả Rập Xê Út

Từ phía các nhà tư vấn, họ cho rằng chi tiêu của Chính phủ cho các dịch vụ của họ giúp Ả Rập Xê Út hợp lý hóa khoản chi tiêu khổng lồ của mình cho các dự án từ thành phố Neom tương lai đến khu phức hợp giải trí rộng lớn trên sa mạc bên ngoài Riyadh.

“Các quan chức Saudi đang theo dõi các con số chi tiêu siêu chặt chẽ. Chúng tôi cho rằng đó không phải là sự cẩu thả”, Giám đốc điều hành của một công ty tư vấn chia sẻ.

Các nhà tư vấn nhận thức được những lời chỉ trích của lãnh đạo chính quyền địa phương. “Mọi người nghĩ rằng chúng tôi được trả lương siêu cao, sống trong mơ ở Dubai, thư giãn vào cuối tuần. . . và khiến Chính phủ phải chi hàng tỷ đô la”, một Giám đốc điều hành khác của một công ty toàn cầu cho biết.

Tuy nhiên, các công ty vấn này cũng nói rằng lịch sử lâu dài của Ả-rập Xê-út với các chuyên gia tư vấn quản lý nước ngoài đã khiến Chính phủ nước này vô cùng khôn ngoan khi thuê người ngoài làm việc cho mình.

Một số quan chức cấp cao trong Chính phủ Ả Rập Xê Út từng là cố vấn, trong đó có hai thứ trưởng Bộ du lịch từng là quản lý cấp cao của McKinsey. “Trong số 2.300 nhân viên của PwC tại Ả Rập Xê Út, 56% là công dân chính thức của nước này. Nhưng trong số hơn 100 partner (quản lý cấp cao), chỉ có 15 hoặc 20 người mang quốc tịch Ả Rập Xê Út, vì đất nước này chú trọng chiêu mộ người tài vào làm cho Chính phủ” - Chủ tịch khu vực Trung Đông của PwC, ông Riyadh Al Najjar chia sẻ với kênh truyền thông địa phương Socrates.

Theo Source Global, thị trường tư vấn doanh nghiệp ở đây đã tăng trưởng 18,2% vào năm ngoái, so với mức tăng trưởng 13% ở khu vực vùng Vịnh nói chung và chỉ 3,5% trên toàn cầu.

Bà Fiona Czerniawska, người sáng lập và giám đốc điều hành của Source Global cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng thị trường tư vấn sẽ tăng trưởng chậm trong một hoặc hai năm tới. Ngược lại, thị trường tư vấn Trung Đông sẽ tăng “tốc độ gấp hai đến ba lần”. Có lẽ điều đó giúp các quốc gia Trung Đông đang tạo ra sự khác biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.

>> Gia tộc hoàng gia Ả Rập Xê Út giàu có bậc nhất thế giới, sở hữu khối tài sản gấp 4 lần Elon Musk và Bill Gates cộng lại

Big4 kiểm toán bị Hồng Kông điều tra vì thư tố cáo nặc danh liên quan 'bom nợ' Evergrande

'Vụ nổ' lớn nhất trong lịch sử kiểm toán thế giới: Ông lớn kiểm toán Big 4 bị Trung Quốc 'sờ gáy' vì phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/su-troi-day-cua-cac-cong-ty-tu-van-o-cuong-quoc-so-1-trung-dong-phep-mau-kinh-te-hay-thau-tom-quyen-luc-234653.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sự trỗi dậy của Big4 ở cường quốc số 1 Trung Đông: Phép màu kinh tế hay thâu tóm quyền lực?
    POWERED BY ONECMS & INTECH